“Danh ca Việt Nam” khai màn lúc 20 giờ ngày 16.7 tại Cung Văn hóa Hà Nội lần đầu tiên đưa bốn cái tên Tuấn Ngọc-Trọng Tấn-Tùng Dương-Tấn Minh lên cùng một sân khấu.
Bốn chân dung trong đêm 'Danh ca Việt Nam.' (Ảnh: Media Max)
Là đêm nhạc mở đầu cho một chuỗi chương trình được cho là để tôn vinh những giọng ca đã được “thử lửa” qua thời gian và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của nhạc Việt - “Danh ca Việt Nam” khai màn lúc 20 giờ ngày 16.7 tại Cung Văn hóa Hà Nội lần đầu tiên đưa bốn cái tên Tuấn Ngọc-Trọng Tấn-Tùng Dương-Tấn Minh lên cùng một sân khấu.
Trước tiên phải khẳng định, việc quy tụ được bốn giọng ca nam được đánh giá là hàng đầu hiện nay trên cùng một sân khấu là một nỗ lực của nhà tổ chức. Tuấn Ngọc-Trọng Tấn-Tùng Dương-Tấn Minh là bốn cái tên tuy không mới nhưng việc họ cùng kết hợp trong đêm “Danh ca Việt Nam” lại là một concept âm nhạc thú vị và khó đoán.
Trong nghệ thuật và âm nhạc, sự khó đoán luôn kích thích trí tưởng tượng và tò mò của công chúng. Có điểm chung gì giữa bốn giọng hát này? Bốn chân dung, bốn tên tuổi, bốn phong cách, bốn màu sắc, bốn cá tính khác nhau họ sẽ được đặt để, kết hợp như thế nào trên sân khấu?
Tuấn Ngọc nổi tiếng qua những nhạc phẩm trữ tình. Với giọng hát và cách diễn tả đặc biệt, giọng hát này đã giành được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Là giọng ca nam "tượng đài" của nền tân nhạc Việt Nam, Tuấn Ngọc không những tạo dựng được chỗ đứng, với sự nghiệp bền bỉ cho đến ngày hôm nay nam danh ca này còn ảnh hưởng tới nhiều ca sỹ thế hệ sau cả ở hải ngoại cũng như trong nước.
Trong khi đó, ở vị trí “ông hoàng nhạc Đỏ,” sau hai thập kỷ, điều công chúng yêu nhạc mến mộ Trọng Tấn không chỉ là giọng hát mẫu mực, mà còn là nỗ lực lao động, cống hiến âm nhạc chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Trọng Tấn với sở trường nhạc cách mạng là một 'ca khó đoán' trong các màn kết hợp trong đêm...(Ảnh: Media Max)
Tên anh luôn là lựa chọn hàng đầu đứng cạnh những diva, divo làng nhạc nhẹ và trở thành thương hiệu đảm bảo chất lượng cho những chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Ngoài dấu ấn giọng hát ấm áp, thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở, những nỗi niềm thân thuộc, Trọng Tấn còn là người hiếm hoi gặt hái được những thành công, khi mở rộng biên độ, “phá có tính toán” để chinh phục các dòng nhạc khác.
Tùng Dương, giọng hát đương đại gặt hái được thành công khi được ví von là divo duy nhất của nhạc Việt. Cátxê của Tùng Dương tính đến thời điểm này không phải cao nhất Việt Nam, nhưng có vẻ như trong tất cả các chương trình ca nhạc lớn ở xứ này, chẳng "tuần chay" nào thiếu Dương.
Dõi theo Tùng Dương từ lần đầu tiên đứng trên sân khấu cuộc thi Sao mai Điểm hẹn 2004 đến nay, ca sỹ này vẫn liên tục vận động, trở thành sắc diện đặc biệt trong suốt thập kỷ tân nhạc (2004-2014).
Nếu Tuấn Ngọc-Trọng Tấn–Tùng Dương là ba phong cách rõ rệt đã được định hình thì Tấn Minh lại là “ca lạ” vì sắc thái trung tính trong đêm “Danh ca Việt Nam.” Con đường âm nhạc của Tấn Minh luôn kiên định, thăng bằng. Giọng hát vừa lãng mạn vừa tỉnh táo khiến những bài hát gắn với tên tuổi Tấn Minh vẫn độc tôn cho đến ngày hôm nay chưa ai làm hay hơn. Đó mới chính điều làm nên đẳng cấp người nghệ sỹ.
Theo nhạc sỹ Dương Thụ, Tuấn Ngọc chính là danh ca với tiếng hát của một thời. (Ảnh: Media Max)
Rõ ràng ngoài ý đồ tập trung đề cao dấu ấn cá nhân và cá tính âm nhạc, khai thác tối đa tinh hoa người nghệ sỹ trên sân khấu, “Danh ca Việt Nam” còn tham vọng phác họa diện mạo cả một thời kỳ như một di sản của âm nhạc đương đại. Từ đó, mở ra biên độ tưởng tượng và thưởng thức cho công chúng yêu nhạc trong sáng tạo, giao thoa, kế thừa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.
Trong tưởng tượng của Tấn Minh, biên tập âm nhạc của chương trình thì “Danh ca Việt Nam" sẽ không "gói gọn" trong giới hạn bốn sắc màu âm nhạc của từng người mà là sự cộng hưởng, tiếp nối tạo ra những chiều kích bất ngờ trong những màn kết hợp.
Vì thế, bên cạnh những nhạc phẩm thân thuộc, đã làm nên tên tuổi của những Tuấn Ngọc ("Riêng một góc trời," "Mắt biếc"...); Trọng Tấn ("Tiếng đàn bầu," "Nơi đảo xa...); Tùng Dương ("Chiếc khăn Piêu," "Mang thai"...) và Tấn Minh ("Bức thư tình đầu tiên," "Phượng hồng"...) khán giả sẽ được thưởng thức những sự kết hợp mang tính thử nghiệm của bốn nghệ sỹ trên những bản hòa âm phối khí với dàn nhạc cổ điển, nhạc cụ dân tộc, hiện đại… được viết riêng bởi giám đốc âm nhạc Dương Cầm.
Nhạc sỹ Dương Thụ cũng cho rằng: “Nói về tên gọi, danh ca là giọng hát của một thời. Việc gọi tên, đặt để chương trình là quyền của nhà tổ chức. Nhưng, xét về khía cạnh cống hiến, trong bốn cái tên góp mặt vào đêm "Danh ca Việt Nam," Tuấn Ngọc xứng đáng là tiếng hát của một thời. Ba cái tên còn lại mới đang là đại diện cho tiếng hát đương thời. Vì vậy, khi đặt bốn cái tên này lên trên cùng một sân khấu, để tạo ra những sự kết hợp giữa họ, có thể tạo ra những chiều kích mới cho âm nhạc nhờ giao thoa, kế thừa. Bởi tiếng hát một thời và của mọi thời luôn là đích đến của tất cả nghệ sỹ. Trọng Tấn đại diện cho nhạc đỏ chắc chắn sẽ là một ca thú vị. Nhưng điều khiến tôi mò mò nhất chính là sự kết hợp của hai cái tên Tuấn Ngọc và Tùng Dương. ”
Hơn tất cả những ý đồ, chiến lược về thương mại, “Danh ca Việt Nam” cho thấy tâm huyết, cùng mong muốn thay đổi, muốn làm nghệ thuật một cách tử tế.
Bởi trong diện mạo thị trường âm nhạc quá hỗn tạp các chương trình ca nhạc hiện nay, nắm bắt được thị hiếu của công chúng để tạo dựng những chương trình chất lượng, không bị lặp lại ý tưởng vẫn là điều ám ảnh, thách thức với những nhà tổ chức, kinh doanh âm nhạc muốn hướng đến sự tử tế…