Ngày 18-12-1972 - những trận đánh đầu tiên, hạ gục tại chỗ “siêu pháo đài bay B52”- thần tượng của không lực Hoa Kỳ.
Vào lúc 10 giờ 30 ngày 17-12-1972, ngay khi Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, quân và dân toàn miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Ngày 18-12-1972 - những trận đánh đầu tiên, hạ gục tại chỗ “siêu pháo đài bay B52”- thần tượng của không lực Hoa Kỳ.
18 giờ 50, toàn Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. 19 giờ 15, Chỉ huy Trung đoàn 291 báo cáo: “B52 đang vào miền Bắc”. 19 giờ 25, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch. Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô Lệnh báo động toàn thành phố. Từ 19 giờ 25 đến 20 giờ 18, nhiều tốp B52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. 19 giờ 44, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên - cuộc chiến đấu 12 ngày và đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.
20 giờ 13, B52 tiếp tục đánh phá. Một kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 đã phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp hạ ngay 1 máy bay B52. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10 km. Thắng lợi ngay trong đêm đầu tiên, hạ gục tại chỗ “siêu pháo đài bay B52” - thần tượng của không lực Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội vì cả 9 trận đánh cấp tiểu đoàn trong đợt đầu tiên đều chưa thành công.
Suốt đêm 18 đến rạng ngày 19-12, quân Mỹ huy động 90 lần chiếc B52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B52 có 8 lần chiếc F111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 2 máy bay B52 rơi tại chỗ.
Từ đêm 19-12 đến 29-12-1972, quân Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương khác ở miền Bắc, như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh... bằng máy bay chiến lược B52, máy bay F111, máy bay F4, F5 và các loại phương tiện tiến công đường không chiến thuật hiện đại khác. Trong 12 ngày đêm oanh liệt đó, quân và dân ta đều bắn rơi máy bay B52 của Mỹ (trừ ngày 25-12, do bị thất bại nặng nề, lấy cớ nghỉ lễ Nô-en, địch tạm ngừng tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần và tìm thủ đoạn đánh phá mới).
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử “siêu pháo đài bay B52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, gồm: 34 chiếc B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC. Phía Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được là mất rất nhiều phi công. Chỉ hơn 10 ngày, không quân Hoa Kỳ đã mất hàng trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng nghìn giờ, là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của quân đội Mỹ.
Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7 giờ sáng ngày 30-12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 27-1-1973 Hiệp định Pa-ri về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.