Đảng đặc biệt nhấn mạnh nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước

01/12/2021 18:12

Hơn 26 triệu đồng bào có đạo trải dài khắp 3 miền đất nước là một nguồn lực lớn đối với sự phát triển của đất nước.


Ngày 9.8.2019, tại TP Ðà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc gặp mặt 126 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh việc phát huy nguồn lực tôn giáo nhưng phát huy ở mức độ nào? Liệu các tôn giáo có được phép mở trường học, mở bệnh viện như một số nước đã làm hay không? Phóng viên đã phỏng vấn ông Lê Đình Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương về nội dung này .

- Thưa ông, văn kiện Đại hội XIII của Đảng có điểm gì mới liên quan đến tôn giáo?

- Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phần nói về tôn giáo có ghi: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Cụ thể là bảo đảm cho các tôn giáo và sinh hoạt thuận lợi theo pháp luật và theo Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo (đã được Nhà nước chấp thuận). Bên cạnh đó là việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của tôn giáo.

Văn kiện đặc biệt nhấn mạnh nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước. Mà nguồn lực tôn giáo thì lớn lắm. Nguồn lực con người, đó là hơn 26 triệu đồng bào có đạo, rồi nguồn lực vật chất, những giá trị vật chất của tôn giáo, những đóng góp của họ cho sự phát triển xã hội… Bên cạnh đó là nguồn lực từ chính giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo.

Trước đây, chúng ta đã nhìn thấy nguồn lực tôn giáo là rất lớn nhưng chưa được đưa vào quan điểm, đường lối một cách chính thức. Lần này, việc phát huy nguồn lực tôn giáo được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, rất mới.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu cả nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tôn giáo. Trước hết, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để cho tất cả nhân dân, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhiệm vụ thứ hai là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho tôn giáo hoạt động theo đúng luật pháp của Nhà nước cũng như theo Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo.

Nhiệm vụ thứ ba là thúc đẩy hoạt động xã hội, từ thiện của các tôn giáo để đưa nguồn lực tôn giáo vào trong hoạt động xã hội. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi để ban hành các chính chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, cho chức sắc, tín đồ tham gia một cách thuận lợi, tích cực nhất vào hoạt động từ thiện, xã hội này; phát huy vai trò phản biện của các tổ chức tôn giáo thông qua Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Việc thực hiện chức năng phản biện qua kênh Mặt trận hiện nay chưa thật sự hiệu quả và các tổ chức tôn giáo vẫn còn dè dặt. Vì vậy, Mặt trận cần quan tâm và phát huy cao độ chức năng phản biện, trong đó có tiếng nói của các tôn giáo.


Nguyên Vụ trưởng Vụ Tôn giáo Lê Đình Nghĩa

Nhiệm vụ thứ tư là tăng cường công tác đào tạo. Đội ngũ cán bộ chúng ta cũng phải nắm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo để chúng ta tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Hiện nay, hiểu biết của đội ngũ cán bộ về lĩnh vực tôn giáo còn hạn chế, cho nên thường có sự né tránh khi phải giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ hiện nay đang thu hẹp đầu mối, kể cả Ban Tôn giáo cấp tỉnh. Ở cấp xã, phường không có cán bộ làm chuyên trách tôn giáo. Cấp huyện, thị thì chỉ có 1-2 cán bộ trong Phòng Nội vụ mà cũng không phải là chuyên trách, toàn kiêm nhiệm.

Như vậy, ngay cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo thì số cán bộ đang giảm dần. Tất nhiên là các cán bộ này nắm được chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, còn lại đa số cán bộ thuộc hệ thống chính trị hiện nay, sự hiểu biết này còn rất hạn chế, bất cập. Như vậy, việc tuyên truyền về chính sách tôn giáo trước hết là phải làm cho đội ngũ cán bộ của chúng ta trong hệ thống chính trị nắm được. Anh đi hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện mà không nắm chắc thì làm sao mà làm tốt được.

Tôn giáo có được mở trường, mở bệnh viện?

- Như ông nói, nguồn lực tôn giáo hiện rất lớn. Vậy, nguồn lực này đã được sử dụng như thế nào?

- Trong thời gian qua, tôn giáo đã phát huy nguồn lực của họ trong xã hội nhưng đó là thế mạnh của họ trên cơ sở giáo lý của các tôn giáo “ gắn bó, tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đời”. Vấn đề quan trọng là Nhà nước phải khơi dậy tiềm năng để phát huy hơn nữa nguồn lực này. Trước đây, nếu như hoạt động của họ có phần tự phát thì bây giờ, chúng ta phải đưa vào thành chủ trương, chính sách, đưa vào pháp luật để tạo điều kiện cho người ta hoạt động.

Ví dụ, người ta muốn mở trường, tham gia công tác giáo dục mà mình mới chỉ cho phép họ được mở trường mầm non thôi. Thế bây giờ, họ mở trường từ cấp tiểu học trở lên thì có được làm không? Hiện nay, một số nước đã cho phép tôn giáo mở trường ở các cấp, thực hiện bình đẳng theo Luật Giáo dục. Có những nước, tôn giáo mở trường đại học, không chỉ đạo đào chức sắc tôn giáo mà còn đào tạo đa ngành. Ví dụ như ở Myanmar, có trường đại học tôn giáo do Chính phủ quản lý. Hay ở Trung Quốc, các trường tôn giáo được nhà nước quản lý. Ở Mỹ, các tổ chức Tin lành có nhiều hệ phái, họ mở các trường danh tiếng, đào tạo đa ngành. Không ít học sinh Việt Nam đang theo học ở đó. Đó là những kinh nghiệm cho chúng ta tham khảo. Nếu mình cho phép mở trường thì phải sửa Luật Giáo dục. Quan trọng nhất là hành lang pháp lý cho phép họ được làm. Hay tôn giáo có được phép mở bệnh viện không hay chỉ là các phòng khám y học cổ truyền? Trước đây, chúng ta thấy ở Việt Nam cũng có các bệnh viện lớn của tôn giáo như Bệnh viện Xanhpon ở Hà Nội hay một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh….


Trong đại dịch Covid-19, các tôn giáo góp công, góp của, cùng nhân dân cả nước khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới

Tôi đi các nước, thấy nhiều tổ chức tôn giáo mở những bệnh viện lớn, hàng nghìn giường, chữa bệnh không chỉ cho tín đồ của họ mà chữa cho tất cả mọi người… Nói chung, có rất nhiều lĩnh vực cho thể phát huy nguồn lực của tôn giáo. Không chỉ tuyên truyền mà phải có cơ chế để người ta làm, tức là có luật pháp.

- Nguyện vọng mở trường, mở bệnh viện đã được các tôn giáo nhiều lần kiến nghị. Bản thân ông có ủng hộ không?

- Cá nhân tôi ủng hộ các tổ chức tôn giáo và các cá nhân tôn giáo có thể tham gia vào lĩnh vực giáo dục và y tế. Khi chúng tôi làm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tôi là người trực tiếp tham gia góp ý một điều luật, trong đó quy định tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, văn hóa- xã hội. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương phát huy nguồn lực tôn giáo một cách thiết thực, cụ thể. Làm thế nào để phát huy được nguồn lực này? Chúng ta phải có cơ chế, chính sách.

Nếu để tôn giáo được mở trường thì những nội dung được đưa vào giảng dạy là gì, có được tuyên truyền về tôn giáo của họ trong trường học hay không? Rồi giáo viên thì được đào tạo như thế nào… Theo tôi hiểu, đó là những rào cản, những khó khăn khiến chúng ta còn dè dặt khi cho tôn giáo mở trường, mở bệnh viện. Nhưng khó khăn mấy cũng giải quyết được nếu chúng ta quyết tâm làm. Thế giới làm được thì chúng ta cũng làm được.

Cần có cơ chế thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với tôn giáo

- Giữa Nhà nước và các tôn giáo cần có thêm các kênh đối thoại để hiểu biết và tìm được tiếng nói chung trong việc phát huy nguồn lực tôn  giáo, thưa ông?

- Năm 2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ với đại diện 41 tổ chức tôn giáo. Đây là một tiền đề rất tốt trong mối quan hệ giữa Nhà nước với các tôn giáo. Khi tham mưu cho Bộ Chính trị, chúng tôi cũng luôn đề cao việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, gần gũi, hiểu biết giữa Nhà nước với các tôn giáo. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để hai bên hiểu biết, thông cảm, chia sẻ, vừa giúp đất nước phát triển vừa giúp các tôn giáo ổn định. Qua thực tiễn cho thấy, nơi nào mà chính quyền quan hệ tốt với các chức sắc tôn giáo như thăm hỏi, động viên, đối thoại, tiếp xúc gần gũi, thân tình thì ở đó, đôi bên rất hiểu nhau và rất đồng thuận.

Thông qua các cuộc gặp gỡ như thế, các vị lãnh đạo lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị chính đáng của các tổ chức tôn giáo để chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tôn giáo trong các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, đóng góp nguồn lực vào sự phát triển của xã hội.

Tại cuộc gặp gỡ với đại diện 41 tổ chức tôn giáo, Thủ tướng cung cấp rất nhiều thông tin toàn diện về tình hình của đất nước, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khát vọng phát triển của đất nước, của dân tộc… Thậm chí, cả những ý đồ muốn chống phá đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cũng được nhắc đến tại các cuộc gặp gỡ như vậy.

Qua theo dõi báo chí cũng như mạng xã hội, tôi thấy các tín đồ tôn giáo rất phấn khởi nếu có các cuộc tiếp xúc cấp cao như vậy. Cấp chính phủ đã vậy thì các cấp chính quyền như cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng nên đối thoại như vậy để tạo sự lan tỏa. Chúng ta cần có cơ chế để thường xuyên gặp gỡ, đối thoại như thế.

Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn có thêm các kênh đối thoại, có thêm các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp với các chức sắc tôn giáo, gặp gỡ định kỳ hàng  năm…

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo VOV

(0) Bình luận
Đảng đặc biệt nhấn mạnh nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước