Nghiên cứu Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tôi xin góp ý một số nội dung sau:
Về thời gian, theo tôi, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, vào thời điểm sau khi có Cương lĩnh xây dựng đất nước và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) là hoàn toàn cần thiết và thích hợp.
Về kết cấu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này giữ nguyên 12 chương với 24 điều là phù hợp. Đặc biệt là việc chuyển những quy định về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và thủ đô từ chương XII lên chương I và chuyển nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân từ chương V lên chương II là hợp lý. Ở ta không ít nhà khoa học đã đề xuất và nhiều nước trên thế giới cũng thiết kế như vậy.
Về điều 4 của Hiến pháp, tại khoản 2, điều 4, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Việc thêm mệnh đề “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là cần thiết mặc dù mệnh đề này không được nói đến trong Cương lĩnh, trong Văn kiện Đại hội XI, trong Điều lệ Đảng và cũng không nói đến trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
Nhưng theo tôi, quy định Đảng chỉ chịu trách nhiệm về quyết định của mình là rất hẹp, chưa đầy đủ và nhiều trường hợp trách nhiệm không rõ ràng. Theo tôi, nên đổi cụm từ "quyết định của mình" trong mệnh đề đó thành: "chịu trách nhiệm về "sự lãnh đạo của mình" trước nhân dân". Bởi lẽ: về nguyên tắc, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu khách quan, tất yếu lịch sử. Sự lãnh đạo này đã được luật hóa trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1959; điều 4 trong các Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Nay tiếp tục khẳng định tại khoản 1, điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cho nên, Đảng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ sự lãnh đạo của mình trước nhân dân chứ không chỉ chịu trách nhiệm về những quyết định của mình như trong dự thảo. Thứ hai, về khái niệm, sự lãnh đạo của Đảng rộng hơn khái niệm quyết định của Đảng. Theo từ điển tiếng Việt, "quyết định" có nghĩa là: “có ý kiến dứt khoát về việc làm cụ thể nào đó, chọn một trong các khả năng, sau khi đã có sự cân nhắc”; nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội XI của Đảng thì nội hàm cụm từ "sự lãnh đạo" sẽ rộng hơn rất nhiều cụm từ "quyết định". Sự lãnh đạo của Đảng bao gồm cả: phương thức lãnh đạo của Đảng và kết quả của nó. Thứ ba, về thực tế, là một chính đảng có tổ chức, Đảng phải ban hành nhiều loại quyết định để giải quyết các mối quan hệ trong đó có cả quan hệ trong nội bộ của Đảng. Vậy thì loại quyết định này Đảng có phải chịu trách nhiệm trước nhân dân không? Mặt khác nếu chỉ chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước nhân dân thì sẽ có nhiều việc Đảng không phải ra quyết định nhưng với vai trò lãnh đạo thì Đảng vẫn phải chịu trách nhiệm. Ví dụ vấn đề tham nhũng, nếu xét về góc độ "quyết định" thì không rõ Đảng có phải chịu trách nhiệm với nhân dân hay không? Vì Đảng có quyết định để cho tham nhũng nảy sinh đâu? Nhưng với vai trò lãnh đạo thì Đảng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc để xảy ra tình trạng tham nhũng đó mà không được biện lý gì để thoái thác. Ví dụ khác, giả thiết việc để nhân dân bị đói rét, đất nước nghèo, tụt hậu… nếu xét về quyết định thì cũng khó chỉ ra cái sai của Đảng để phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, nhưng cũng vấn đề này xét trên cương vị lãnh đạo của một đảng cầm quyền thì đương nhiên, Đảng phải chịu trách nhiệm với dân như Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: nếu dân đói rét Đảng và Chính phủ có lỗi.
Như vậy, theo tôi nên thay cụm từ "quyết định của mình" bằng cụm từ "sự lãnh đạo của mình". Do đó, khoản 2, điều 4, Dự thảo Hiến pháp nên sửa và đảo lại là: “ Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình trước nhân dân”.
Th.S PHẠM VĂN HIỂU (Trường Chính trị tỉnh)