Đang bị thu hẹp

11/06/2014 04:12

Toàn tỉnh hiện có khoảng 200 ha thủy sản đặc sản, chỉ chiếm 0,19% tổng diện tích thủy sản, giảm 200 ha so với những năm 2005-2007.



Ông Lương Văn Mừng ở thôn Lộ Xá, xã Thăng Long (Kinh Môn) đã bỏ nuôi ếch và chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính


Ba ba là một trong những con đặc sản từng mang lại giá trị cao. Giai đoạn 2000 - 2005, sau 3 năm nuôi, mỗi con cho lãi trung bình từ 1,5-2 triệu đồng. Năm 2005, cả xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) có tới hơn 600 hộ nuôi ba ba với 800 ao nuôi, tổng diện tích gần 30 ha. Xã đã thành lập Chi hội Nuôi thủy sản đặc sản,  thu hút 25 người tham gia. Tuy nhiên, việc nuôi ba ba ở xã Đại Đồng thời gian gần đây thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 70 hộ nuôi với diện tích 2,5 ha. Anh Nguyễn Văn Chất ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) cho biết: "Để nuôi được 1 con ba ba đến lúc được bán phải mất 4 năm, giá mua 1 con ba ba giống là 250 nghìn đồng (loại bé nhất). Do thức ăn khan hiếm nên tôi phải mua cá mè cho ba ba ăn. Hiện nay, ba ba có giá từ 470- 800 nghìn đồng/kg, tùy từng loại. Chi phí tiền thức ăn từ lúc nuôi đến lúc bán phải chiếm 2/3 tiền bán ba ba". Theo anh Chất thì nguồn nước nuôi ba ba ở xã Đại Đồng cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ở xã Đại Đồng và một số xã lân cận hiện có một số nhà máy xi- măng đang hoạt động, nước thải đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước chung của địa phương.

Năm 2010, ếch cũng được nhiều nông dân ở một số xã như Thăng Long, Lạc Long, Minh Hòa của huyện Kinh Môn đưa vào nuôi. Tuy nhiên, số người nuôi ếch hiện đã giảm đi đáng kể, thậm chí có xã không còn hộ nuôi. Ông Lương Văn Mừng ở thôn Lộ Xá, xã Thăng Long (Kinh Môn) cho biết: "Năm 2009, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy vốn đầu tư, công nuôi ít, thời gian nuôi ngắn (3 tháng) mà hiệu quả kinh tế cao nên gia đình quyết định đầu tư nuôi ếch. Trong 2 năm, hầu hết mọi thứ đều thuận lợi, trừ thị trường tiêu thụ. Trung bình mỗi lứa, tôi nuôi 1.000 con, nhưng không bán tập trung mà thu hoạch và bán rải rác. Mỗi lần chỉ bán được một vài cân hoặc nhiều cũng được chục cân cho các nhà hàng. Chính vì thế mà thời gian thu hoạch ếch lâu, tôi phải nuôi gối, vừa ếch con vừa ếch to. Có những lứa phải kéo dài từ 6-8 tháng mới bán hết. Chính vì thế thành ra tiền thức ăn, công chăm sóc lại nhiều, tính ra không có lãi". Hiện nay, không còn ai nuôi ếch mà thay vào đó các con khác như ong, chim cút...

Ngoài việc thu hẹp quy mô nuôi nhiều loại thủy sản đặc sản thì một số con khác như tôm càng xanh, cá lăng chấm... được nông dân đưa về nuôi nhưng cũng không tồn tại được. Anh Đặng Duy Tuyền ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc), người đầu tiên nuôi cá lăng chấm ở tỉnh ta cho biết: "Do điều kiện thời tiết, nguồn nước ở các tỉnh đồng bằng không thích hợp nên cá lăng chấm hay bị chết hoặc chậm lớn. Chính vì thế, sau lần đầu nuôi 1 vạn con, tôi đã không dám đầu tư tiếp mà chuyên tâm vào làm giống các loại cá truyền thống để cung ứng cho thị trường".

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có khoảng 200 ha thủy sản đặc sản, chỉ chiếm 0,19% tổng diện tích thủy sản, giảm 200 ha so với những năm 2005-2007. Hầu hết các loại này được nuôi theo hình thức tự phát, lẻ tẻ, chủ yếu là ba ba, ếch...

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thủy sản đặc sản ở tỉnh ta còn đơn điệu, nuôi lẻ tẻ mà chưa được chú trọng để phát triển thành đặc trưng của tỉnh. Các giống thủy đặc sản ở tỉnh ta khó phát triển nguyên nhân là do một số loại không có thị trường tiêu thụ, điều kiện thời tiết, môi trường sống không thích hợp. Thêm vào đó, các loại thủy sản đặc sản này hầu hết đều do người dân tự tìm hiểu và đưa về nuôi nên không có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc. Chính vì thế mà một số con không thể tồn tại được hoặc người dân chỉ nuôi cầm chừng".

Còn ông Phạm Văn Tình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: "Tỉnh không khuyến khích người dân mở rộng diện tích thủy sản đặc sản mà chỉ nên duy trì diện tích hiện có. Đồng thời, người dân nên biết tự điều chỉnh quy mô, tìm kiếm thị trường, khắc phục khó khăn về môi trường để phát huy giá trị kinh tế của các con đặc sản này".

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đang bị thu hẹp