Sắp đến Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bà Lanh là cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn thở dài với chồng:
- Dịp 8.3 năm nay lại giống năm ngoái rồi, không dám tổ chức hoạt động gì tập trung đông người. Câu lạc bộ dân vũ thôn mua sắm vài bộ đồng phục đẹp nhưng chắc để sang năm mặc.
Ông Thông là Bí thư Chi bộ thôn quay sang bảo vợ:
- Bây giờ phải xác định “sống chung với dịch”. Đây là xu thế tất yếu rồi!
Ngừng một lát, ông Thông nói tiếp:
- Nhưng mà các bà chớ hiểu sai "sống chung với dịch" là được phép chủ quan, theo kiểu “rồi ai cũng trở thành F0” nhé!
- Ông nói thế thì chúng tôi cứ mặc đẹp, cứ biểu diễn dân vũ, miễn là thực hiện tốt khuyến cáo 5K à?
- Cũng phải thế thôi. Tôi đi nấu cơm đây, bà lên phòng tập dân vũ online với mấy chị em đi, sắp tối rồi.
Vừa lúc đó chị Thanh trong câu lạc bộ dân vũ đến đưa cho bà Lanh bộ đồng phục. Chị Thanh mỉm cười nói:
- Hai bác tình cảm thế. Bác trai vào bếp cơ ạ?
- Vào bếp vui mà!
- Nhưng bếp núc là việc của phụ nữ. Chồng cháu thường xuyên nói câu ấy.
Bà Lanh lắc đầu:
- Quan niệm ấy xưa rồi, đàn ông thời nay không phân biệt địa vị, chức tước ngoài xã hội, nhiều người vẫn vào bếp, chia sẻ việc nhà với vợ. Đàn ông vào bếp cũng không giảm vai trò, vị trí trong gia đình mà ngược lại càng thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, tình yêu thương của người chồng đối với vợ con, đúng không ông?
Ông Thông gật đầu nói:
- Phụ nữ bây giờ cũng vất vả nhiều, gánh vác công việc ngoài xã hội. Nếu về nhà phải lo toan khối lượng lớn việc không tên thì sức lực đâu chịu nổi. Không nên phân biệt việc lớn, việc nhỏ. Như tôi đây, sau khi nấu cơm xong, nhìn vợ con thưởng thức một cách vui vẻ, ngon miệng, thật sự rất hạnh phúc. Ít nữa bớt dịch, Hội Phụ nữ các bà nên tổ chức Hội thi “Khi đàn ông vào bếp” để anh em chúng tôi so tài.
- Lúc nào bác sang đả thông tư tưởng cho nhà cháu với ạ. Đi làm về, nhà cháu không phụ giúp bất cứ việc gì, nằm xem ti vi, bấm điện thoại. Cháu thì bận rộn không ngơi tay với biết bao công việc không tên. Nếu chị giúp việc nghỉ, cháu vắng nhà thì 3 bố con úp mỳ tôm, không biết nấu nướng gì.
- Không biết nấu cơm sao? Thời đại nào rồi chứ! - ông Thông ngạc nhiên.
- “Truyền thống” đại gia đình nhà cháu lâu nay đã thế rồi, trong nhà đàn ông, con trai chỉ chuyên lo những việc được cho là hệ trọng, đại loại như kiếm tiền, xây nhà, mua sắm những thứ quan trọng… Còn việc nhà, cơm nước, chăm con là chuyện của phụ nữ. Được cái nhà cháu chịu khó làm ăn, thường xuyên mang tiền về cho vợ.
Chị Linh, con dâu ông Thông từ trên phòng đi xuống lên tiếng:
- Mang tiền về cho vợ cũng rất tốt. Nhưng nếu thường xuyên chia sẻ công việc gia đình, vào bếp nấu cơm hoặc động viên người phụ nữ mình yêu thương vượt qua những lo toan, áp lực cuộc sống và công việc thì tuyệt vời hơn nhiều chị Thanh nhỉ?
Nói xong, chị Linh ngước lên phòng gọi to:
- Chồng ơi, xuống đây vợ chồng mình nấu cơm thay ông nội nào. Đàn ông hiện đại, không ngại vào bếp.
Vợ chồng ông Thông và chị Thanh đều cười.
BẢO LINH