“Dân liệu” ở Dũng Tiến

02/02/2013 17:14

Từ sau buổi lễ khởi công làm đường giữa tháng 11-2012, ở xóm Dũng Tiến, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) như có hội.


Loa phóng thanh đều đặn 6 giờ sáng, 5 giờ chiều truyền đi văn bản của trưởng xóm biểu dương gương tốt xây dựng quê hương theo tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt thu hút bà con là thông tin đường mới đang lan dài các ngả.

Ông Nguyễn Văn Khi kể: “Tròn 60 tuổi đầu, tôi chứng kiến nhiều lần làm đường ở cái xóm này. Gần đây nhất, năm 1997 cấp phối đá cộn; đầu năm 2004 đổ bê-tông và đông-xuân 2012-2013 này bê-tông toàn bộ 1.600 m chiều dài, rộng bình quân 3,5 m, dày 20 cm. Chúng tôi càng thấy rõ: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nó đúng ngay trong việc làm đường ở xóm Dũng Tiến chúng tôi”. Tôi hỏi : “Ông có thể chứng minh?”. Ông Khi cười khà khà: “Dân xóm tôi quen trả lời bằng việc làm. Mời nhà báo ra hiện trường”.

Giữa trưa. “Rét như dùi nhọn chích cành cây” nhưng 5 ngả chính trong xóm Dũng Tiến vẫn ầm ào tiếng máy trộn bê-tông. Bà con nô nức, ủng cao su, găng tay tự sắm, xà beng, cuốc xẻng, xô chậu, dao bay xây... của nhà mang ra làm đường. Ai cũng sợ chậm chân không góp được công sức vào việc chung. Trưởng xóm Tô Ngọc Bình cho biết: “Suốt tuần rét hại mà vẫn thường xuyên 70-80 người hiến công trên mặt đường. Có nhà 2-3 người tham gia. Tết này, tất cả lối đi trong xóm đều thông suốt rộng dài, vuông bàn cờ...”

Đi thông các ngõ, đâu đâu cũng ngổn ngang gạch, xi-măng, cát. Qua đoạn thẳng nối đường trục của thôn vào một con ngõ, tôi gặp bà Lý vợ ông Nguyễn Đức Triển (Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo) đang xếp gạch xây tường xóm. Tôi giơ tay chào bà: “Hoan hô gia đình cán bộ gương mẫu!”. Bà Lý cười tươi: “Đoạn này các gia đình hiến đất mở rộng đường. Chúng em xây lại tường mới. Bác sang các ngõ bên mà xem. Cả xóm gương mẫu đấy ạ!”.

Ông Khi khoe với chúng tôi: Sau lễ phát động làm đường, bà con biểu quyết: Ban Kiến thiết tập trung lo đại sự, không cần đến từng nhà, chúng tôi tự nguyện trao tiền tận tay các đồng chí! Chỉ một ngày đầu tiên đã có hơn 70% tổng số hộ đến đóng góp. Số hỗ trợ ngoài định mức 100 nghìn đồng/khẩu cũng đông đảo. Người có điều kiện giúp hàng chục triệu đồng như các ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Khoa... Số đóng góp từ 1 - 10 triệu đồng có  gần trăm gia đình. Mỗi hộ trong nhóm doanh nhân Ngọc Anh, Đức Chí, Đức Vụ, Văn Trụ... giúp từ 5 triệu đồng trở lên. Người Dũng Tiến đi làm ăn ở phương trời xa, nhân việc này, đua nhau gửi tiền về. Đặc biệt là các lão bà trong Hội Mẹ chiến sĩ và Trung đội nữ dân quân năm xưa, như cụ Đặng Thị Giang trên 90 tuổi, cụ Vũ Thị Đắp, cụ Vương Thị Miệu hơn 80 tuổi... cũng chống gậy đi giúp tiền cho con cháu làm đường...

Ông Nguyễn Văn Tâm (dũng sĩ ở chiến trường hồi chống Mỹ, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh thời đổi mới), ngoài hỗ trợ bằng tiền còn thường có mặt tại công trường để cổ vũ động viên. Ông đọc lên loa bài thơ tự biên, có câu: “Với tình đoàn kết keo sơn/Dũng Tiến không sờn trước những khó khăn/... Từ trẻ thơ đến cụ già/Góp công, góp của đưa ra làm đường/Lối ngang, ngõ dọc tứ phương/Giao thông thuận tiện, quê hương đẹp giàu”. Ông tâm đắc: “Cái bờ rào ngõ cũ một thời, nay không bảo đảm độ rộng để 2 xe tắc-xi tránh nhau, để ô-tô vào mua nông sản, lại ngoằn ngoèo, giờ đây đã được các gia đình tự dỡ bỏ. Tiên phong là các cựu chiến binh: Nguyễn Văn Sơ hiến 18 m2, Nguyễn Văn Lập hiến 16 m2, Nguyễn Xuân Lộc hiến 14 m2, ông Quân cắt hẳn 1/3 diện tích công trình phụ của nhà mình để cho đường xóm chạy thẳng... Bà con khác noi gương các ông, trở thành phong trào hiến đất riêng cho đường chung. Tổng diện tích đất hiến lên đến hơn 200 m2...”

Rời Dũng Tiến, tôi mang theo về ấn tượng từ tình cảm chân thành, chất phác mà có sức mạnh của những người dân nơi đây. Tôi hình dung ra những làng quê của nông thôn mới đang mọc lên trên đất nước ta và thường được bắt đầu bằng những con đường... ví dụ như Dũng Tiến!

DŨNG CÁT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Dân liệu” ở Dũng Tiến