Dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành.
Để duy trì hoạt động, Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt làm thêm việc đặt phòng khách sạn cho khách cách ly y tế, tư vấn hỗ trợ thủ tục nhập cảnh cho doanh nghiệp...
Ngành du lịch đã và đang thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải vất vả xoay xở để duy trì hoạt động.
Lao đao
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 10 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Từ đầu năm 2020 đến nay, một số doanh nghiệp lữ hành đã phải giải thể, nhân lực du lịch gặp nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp lữ hành phải chuyển hướng sang lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, hợp tác kinh doanh thiết bị nội thất, bán hàng... để duy trì hoạt động.
Bà Hoàng Thị Thúy, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt cho biết thời điểm này trong năm đúng ra là mùa "kiếm ăn" của dân du lịch. Từ tháng 5 đến tháng 7, xe và hướng dẫn viên làm không hết việc, tour nọ gối tour kia. Nhưng từ mùa hè 2020 đến nay thì không còn hình ảnh đó. Xác định du lịch là ngành kinh doanh chính nên trong giai đoạn này công ty phải nghiên cứu giải pháp để duy trì hoạt động. Công ty đã mở rộng thêm mảng dịch vụ đặt phòng khách sạn cho khách cách ly y tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài, người lao động hồi hương. Hỗ trợ tư vấn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam... Từ ngày 29.4 đến nay, công ty đã hỗ trợ đặt 55 phòng khách sạn cho khách cách ly y tế, làm thủ tục nhập cảnh cho 22 doanh nghiệp có người lao động nước ngoài về Việt Nam.
Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ và Du lịch Hoàng Thanh cũng phải làm thêm việc hỗ trợ, tư vấn thủ tục nhập cảnh cho khách từ nước ngoài về Việt Nam, bán vé máy bay, đặt phòng cho khách cách ly y tế... Bà Bùi Thị Thu Huyền, đại diện công ty cho biết: "Mảng kinh doanh này cũng chỉ để duy trì hoạt động của công ty chứ lợi nhuận không đáng bao nhiêu. Trong khi công ty vẫn đang phải hỗ trợ 7 nhân viên với mức 3 triệu đồng/người/tháng để giữ chân họ".
Trong khó khăn chung đó, Công ty CP Du lịch Nữ Hoàng cũng duy trì bán vé máy bay, mở thêm nhà hàng, còn Công ty TNHH Du lịch Đông Nam Á làm thêm mảng môi giới bất động sản...
Mong mở rộng đối tượng và sớm được hỗ trợ
Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết rất phấn khởi khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 nhưng họ chưa tiếp cận được nhiều với chính sách này. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ và Du lịch Hoàng Thanh cho biết họ đã đề nghị được làm thủ tục hỗ trợ vay vốn ngân hàng nhưng do thủ tục rườm rà nên chán nản không đề nghị nữa.
Mới đây Chính phủ tiếp tục ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 và mở rộng đối tượng hỗ trợ là hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành mong muốn đối tượng hỗ trợ mở rộng hơn, bao gồm cả điều hành tour, nhân viên kinh doanh, nhân viên thị trường... vì họ cũng làm trong lĩnh vực du lịch và chịu thiệt hại do dịch Covid-19. Bà Bùi Thị Thu Huyền cho rằng không chỉ hướng dẫn viên chịu thiệt hại mà những người điều hành tour, nhân viên sales của công ty cũng phải tạm ngừng việc, gặp không ít khó khăn. Nhiều người đã đi làm thêm mảng nội thất, bán hàng trên mạng, bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xe máy, xe ô tô... để duy trì cuộc sống.
Còn với doanh nghiệp, bên cạnh hoạt động bị ngưng trệ, họ còn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí như trả lương nhân viên, trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước. Vì vậy doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ vay vốn phục hồi sản xuất, trả lương nhân viên, giãn nợ, giảm thuế, được giảm hoặc vay lại số tiền ký quỹ của doanh nghiệp để có dòng tiền duy trì hoạt động... Đặc biệt, các doanh nghiệp hy vọng thủ tục hành chính cần nhanh gọn, đơn giản hóa để họ dễ tiếp cận với chính sách hơn.
Ngoài doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, khu du lịch, nhà hàng, chuỗi cung ứng dịch vụ cũng khó khăn. Kéo theo đó là các ngành vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy và nhiều ngành kinh tế khác cũng ảnh hưởng. Việc kịp thời tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp, nhân lực du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời giúp các ngành, lĩnh vực liên quan trong giai đoạn này là rất cần thiết.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, người lao động làm hồ sơ, thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Sắp tới, sở sẽ tích cực thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ tới doanh nghiệp và người lao động, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn thủ tục nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
THẾ ANH