Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho rằng cần đặc biệt chú trọng đến vai trò giám sát của cộng đồng và các cơ quan dân cử
Cầu Rạch Miễu là dự án đầu tư theo hình thức PPP và là một trong 14 dự án bị kiến nghị giảm, rút ngắn thời gian thu phí. Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận tổ đối với dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vừa được Chính phủ trình Quốc hội sáng 11.11.
"Người dân trực tiếp đóng tiền nên họ có quyền giám sát"
Theo ông Dũng, dự thảo luật này cần quy định rõ thêm trách nhiệm, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm giám sát của Nhà nước đối với dự án PPP. Từ thực tế các dự án PPP đã triển khai trong thời gian qua, điển hình là các dự án giao thông BOT, đại biểu Dũng cho rằng việc giám sát của Nhà nước với các dự án này là "rất lỏng lẻo".
Lấy ví dụ việc thu phí các dự án BOT, ông Dũng cho rằng mỗi ngày bao nhiêu xe qua trạm Nhà nước cũng không thể kiểm soát hết được, do đó, cần phải nhìn nhận từ thực tiễn để quy định rõ trách nhiệm giám sát Nhà nước trong dự thảo luật này.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần đặc biệt chú trọng đến vai trò giám sát của cộng đồng và các cơ quan dân cử. "Người dân trực tiếp đóng tiền nên họ có quyền giám sát", ông Dũng nhấn mạnh.
Lấy ví dụ từ một số vụ việc thời gian qua khiến người dân bức xúc, tự mang máy quay đến các trạm BOT để quay phim, ghi nhận số lượng xe qua các trạm để đối chiếu với số liệu của các đơn vị quản lý tuyến đường, ông Dũng cho rằng đó là quyền của người dân và cần phải đưa quyền giám sát này vào ngay từ đầu thay vì khi dự án vào hoạt động.
Tương tự, đại biểu Phạm Phú Quốc (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng việc xây dựng các dự án PPP sẽ "đụng chạm" đến đất đai, đời sống, công ăn việc làm… của người dân, do đó trước khi thực hiện hợp đồng dự án cần phải công khai lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị tác động và xem đó là là thành tố đưa vào hợp đồng.
Đối với vấn đề bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận, đại biểu Quốc cho rằng cần rạch ròi 2 nhóm mục đích cho các dự án PPP là mục đích phục vụ dân sinh, an sinh xã hội và nhóm mục đích phát triển kinh tế.
Do đó, ông Quốc cho rằng Nhà nước chỉ nên tính toán để bảo đảm các dự án dân sinh. Còn với những dự án mục đích phát triển kinh tế, các doanh nghiệp nên tính toán "lời ăn, lỗ chịu", không nên để Nhà nước bù lỗ hoặc nếu bù lỗ thì phải đảm bảo quyết toán một cách rõ ràng.
"Nguồn đâu để bù, nếu đến một lúc nào đó các dự án đồng loạt đều báo lỗ thì phải tính đến nguồn đâu để bù, chúng ta còn phải bảo đảm an ninh tài chính, ngân sách quốc gia nữa", đại biểu Quốc nói.
Nghiên cứu chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết giao thông là một lĩnh vực được đẩy mạnh đầu tư theo các hình thứ đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hầu hết dự án triển khai trước đây mới chỉ thu hút nhà đầu tư nội địa, chưa thu hút được những dự án lớn có nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thể, Việt Nam là nước đang phát triển, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Cứ năm 5 quy hoạch hệ thống giao thông lại được rà soát, điều chỉnh một lần. Trong khi vòng đời của một dự án PPP mất từ 10-15 năm để chủ đầu tư thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài rất lo quy hoạch thay đổi, sẽ có những con đường thứ 2 hoặc đường cắt ngang chia lưu lượng với đường họ đầu tư, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao, thậm chí lỗ.
Chính vì vậy, khi làm việc với cơ quan của Việt Nam, các nhà đầu tư lớn của nước ngoài yêu cầu phía Việt Nam đảm bảo 3 việc: doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ và trượt giá.
Đối chiếu với dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang trình đã đề cập đến bảo lãnh doanh thu. Cụ thể, nếu nhà đầu tư lỗ thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm chia sẻ 50% phần lỗ, nhưng nếu họ lãi tốt thì nhà nước được chia 50%.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng có quy định cho nhà đầu tư chuyển đổi 30% ngoại tệ để chuyển ra ngoài. Về vấn đề này, ông Thể cho rằng: "Mức độ bao nhiêu %, tôi đề nghị nghiên cứu thêm để nhà đầu tư phấn khởi đầu tư"
Riêng lo ngại về trượt giá, Bộ trưởng Thể cho biết hiện dự thảo luật chưa đề cập đến. Do vậy, ông đề xuất nghiên cứu đưa vào dự thảo luật nội dung này.
"Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư mục đích chính là kiếm lợi nhuận, trong đó bảo đảm thu hồi vốn và tiền lãi. Chúng ta không có tiền, để kêu gọi họ vào thì chúng ta phải có chính sách bảo đảm doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ để họ đầu tư. Tôi tin có chính sách tốt thì nhiều nhà đầu tư lớn ở nước ngoài sẽ vào đầu tư", Bộ trưởng Thể nói.
Theo Tuổi trẻ