Bài thơ được viết thể lục bát khoáng đạt, hồn nhiên và đằm sâu. Đọc thơ cảm giác như hai người trẻ tuổi, một nam, một nữ đang cùng nhau thong dong trên đường, bỗng như phát hiện ra phía trước có lối rẽ, lập tức hiểu ngay nơi ấy là cả một vườn xuân xanh tươi, đang đón đợi những trai thanh gái lịch. Vậy thì sao không vào nhỉ. Thế là anh gọi mà như reo: “Này em, lối rẽ vào xuân” đây rồi! Và khi họ đã vào tới nơi thì cả một thế giới thần tiên như hiện ra trước mắt, mà cái dễ nhận ra, dễ hoà nhập với màu áo trắng ngần của em, đấy là: “Có cây mận nở trắng ngần màu mây”.
Đến đây người đọc thấy như hiện ra trước mắt cả ba màu hoa mận, áo em và màu mây đều hoà làm một, tạo nên một không gian trắng trong, tinh khiết, lại rất xuân. Thật là một cái nhìn đầy sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đức Mậu. Bởi lâu nay, nói đến mùa xuân, sắc xuân, thường người ta hay nói đến những loài hoa đua sắc thắm, rực rỡ muôn màu, như đào mai, hồng cúc... chứ còn cái màu hoa mận dẫu có nở trắng ngần cũng ít được để mắt tới. Nhưng với một khổ mở đầu, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã đặc tả cây mận giữa vườn xuân khoe sắc thắm với nét rất riêng, lung linh và gần gũi với con người, cây với người như hoà làm một, không chỉ ở màu trắng tinh khôi, mà còn ở mạch nhựa bên trong cuộn trào cùng sức sống mùa xuân: “Tưởng như cách một tầm tay/Áo em trắng với cây đầy sắc hoa”.
Thế nên, từ cái màu trắng trong, tinh khiết ấy, như một cái cớ, nhà thơ liên tưởng tới tình yêu mùa xuân, tình yêu đôi lứa cũng tinh khiết, trắng trong và hợp lẽ tự nhiên như sắc trời, mây bay, chim lượn... Đến như nhìn con đò đậu dưới bến sông cũng nghĩ ngay tới cuộc tình của đôi ta sớm muộn cũng chung một chuyến đò: “Kìa trông nơi bến sông xa/Con đò như đợi hai ta sang cùng”. Và như thế, gì chưa nói, chứ em thì chỉ có xinh đẹp hơn, chỉ một làn gió xuân nhè nhẹ cũng làm mái tóc em rung lên sợi tơ đàn chảy dài như suối: “Tóc em ngàn sợi tơ rung/Gió xuân suối tóc buông chùng bờ vai”. Thơ không đặc tả dáng người, áo quần mà chỉ bằng nét tốc ký mái tóc cũng đủ làm người đọc nhận ra vẻ đẹp tự nhiên ở một cô gái thanh tân, chân chất, dịu dàng. Đi với một người đẹp như thế, trong một tiết trời xuân trong sáng với sắc hoa trắng ngần màu mây kia, người nào mà chẳng thả hồn suy tưởng, mộng mơ: “Kìa trông chim cứ bay đôi/Cây không mọc lẻ, lá ngời mắt xanh/Trời ru mưa, đất yên lành/Mùa xuân như cũng đa tình từ đây”. Mùa xuân đa tình, hay những chàng trai, cô gái thanh tân đa tình tìm đến với nhau trong ngày hội xuân quê hương tưng bừng, náo nhiệt, tràn đầy sức thanh xuân. Mùa xuân đến như đem lại chất xúc tác với một trường kích mạnh làm mỗi người như thấy mình trẻ trung hơn, tươi mới hơn và hào hứng hơn với những ước mơ, khát vọng đang đón chờ phía trước. Nếu mở đầu, anh sửng sốt gọi “Này em” khi bất ngờ nhận ra “lối rẽ vào xuân”, thì khép lại bài thơ, sau những suy tưởng, mộng mơ trước vẻ đẹp kỳ ảo của sắc trời xuân, thì anh lại bất ngờ nhận ra mùa xuân mở đầu của một năm, khởi nguồn cho tình yêu, ước mơ và những dự định tốt lành đang đón chờ phía trước: “Này em, trên núi mây bay/Ta lên chót đỉnh, ta say với trời/Cho mùa xuân bớt chơi vơi/Trong veo suối chảy từ nơi ngọn nguồn”. Khổ thơ kết như gói trọn ý nghĩa mùa xuân làm cho con người thêm yêu say cuộc sống, yêu say đất trời và như thế người với người thêm yêu, thêm quý nhau hơn, bởi dưới sắc trời xuân này, mỗi người đều thấy rõ hơn, yêu thương hơn nơi quê hương, đất nước “ngọn nguồn” của những “con Lạc, cháu Hồng”.
Thơ như viết về tình yêu đôi lứa mà lại không phải về tình yêu đôi lứa. Đấy là tình yêu con người, tình yêu đồng loại gắn kết với nhau, bởi đều từ “nơi ngọn nguồn” quê hương, đất nước này mà ra, nên mỗi độ xuân về lại làm cho con người ta cũng “bớt chơi vơi”. Thơ từ cái nhỏ, cá thể, như chỉ của hai người trẻ tuổi, nhưng đã mở ra cái chung, bao hàm một ý nghĩa sâu xa, ấm áp tình đời, tình xuân đằm thắm hơn. Cái hay của “Lối rẽ vào xuân” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có lẽ là ở đấy.
CAO NĂM
Lối rẽ vào xuân Này em, lối rẽ vào xuân NGUYỄN ĐỨC MẬU |