Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả, được chiều chuộng, bao bọc từ bé nhưng Tuấn Anh lại có niềm yêu thích đặc biệt với nông nghiệp.
Anh Tuấn Anh đã từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê với nông nghiệp hữu cơ
Tốt nghiệp một trường đại học có tiếng nhưng anh Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1993 ở thị trấn Nam Sách vẫn quyết định từ bỏ tương lai xán lạn ở phía trước để theo đuổi niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ.
Dám nghĩ, dám làmSinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán nên ngay từ nhỏ, Tuấn Anh đã được định hướng theo đuổi nghiệp kinh doanh. Không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, anh thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả, được chiều chuộng, bao bọc từ bé nhưng Tuấn Anh lại có niềm yêu thích đặc biệt với nông nghiệp. Anh luôn hứng thú với những mẩu tin, bài báo hay các chương trình truyền hình liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Ngay từ những năm đại học, anh đã tiết kiệm tiền để đi trải nghiệm thực tế tại những mô hình nông nghiệp tiên tiến, hiện đại ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp cứ thế lớn dần lên trong suy nghĩ của người thanh niên vốn không có “dây mơ rễ má” gì với nghề nông.
Tốt nghiệp ra trường, Tuấn Anh có cơ hội được nhận vào làm việc tại một cơ quan nhà nước. Bố mẹ anh chưa hết vui mừng thì đã phải ngỡ ngàng khi nghe tin con trai từ chối cơ hội này để tập trung xây dựng trang trại sản xuất rau màu hữu cơ. “Bố mẹ luôn mong muốn em học hành thành tài, kiếm được việc nhẹ, lương cao nên khi biết được ý định của em đã rất sốc. Bố mẹ hết khuyên nhủ rồi đến cấm đoán nhưng em vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng”, Tuấn Anh nhớ lại.
Gia đình phản đối kịch liệt nên anh Tuấn Anh không được hỗ trợ tài chính từ người thân. Để có tiền theo đuổi ước mơ, anh làm quản lý tại xưởng sơn tĩnh điện gần nhà. Ban ngày đi làm, tối về anh lại miệt mài bên sách vở để tìm hiểu những kiến thức về nông nghiệp. Những ngày nghỉ, anh tranh thủ đi tham quan, học hỏi tại những trang trại lớn ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, anh cũng nghe ngóng, tìm thuê đất sản xuất. Tất cả mọi việc đều được anh lên kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ. Địa điểm mà anh chọn xây trang trại là xã An Lâm (Nam Sách). Ngoài 3 lần họp tập trung ở xã, anh phải tới từng nhà để vận động người dân cho thuê đất. Trước sự nhiệt tình, tha thiết của chàng trai trẻ, gần 50 hộ dân ở các thôn An Lương, Bạch Đa 1, Bạch Đa 2 đã đồng ý cho anh thuê 5 ha đất với giá 1 triệu đồng/sào/năm.
Có ruộng đất tập trung, anh Tuấn Anh thỏa sức hiện thực hóa những ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu. Từ tháng 6.2016, anh bắt tay vào cải tạo vùng đất trũng thành trang trại tập trung theo hướng công nghệ cao. Diện tích trồng rau màu, khu vực chăn nuôi, kho chứa dụng cụ sản xuất được thiết kế bài bản, hợp lý. Tuy vậy, phần đất anh Tuấn Anh thuê không được như ý muốn. Nắng thì đất chai cằn, khô như móng gà, còn mưa thì sình lầy nhão nhoét, rất khó canh tác. Để khắc phục, anh đã lắp đặt 3 máy bơm công suất lớn để điều tiết nước tưới tiêu. Không ai có thể nghĩ rằng người làm thay đổi diện mạo khu đất vốn chỉ cấy lúa bấp bênh lại là một chàng trai trẻ vừa tròn 24 tuổi.
Nghiêm túc với ước mơ"Bố mẹ luôn mong muốn em học hành thành tài, kiếm được việc nhẹ, lương cao nên khi biết được ý định của em đã rất sốc. Bố mẹ hết khuyên nhủ rồi đến cấm đoán nhưng em vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng." |
|
Dám nghĩ, dám làm nhưng anh Tuấn Anh không có được thành công như mong đợi. Tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ bằng những kiến thức chắp vá, học hỏi mỗi nơi một ít nên anh bị thua lỗ nặng. Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, anh nuôi giun quế để cải tạo đất trồng rau và làm thức ăn nuôi gà. Song do không kiểm soát được nguồn phân chuồng hoai mục nuôi giun nên giun chết nhiều. Trồng rau hữu cơ cũng không hề đơn giản. Vì không được phun thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng phân bón hóa học nên cỏ dại phát triển nhanh hơn rau, thu thì ít mà nhổ vứt đi thì nhiều. Anh chia sẻ: “Khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp em đã lường trước được những khó khăn sẽ phải đối mặt. Nhưng em vẫn lạc quan nghĩ rằng chỉ cần say mê là có thể thực hiện được. Làm rồi mới biết nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro đến nhường nào”.
Vượt qua được thử thách này thì trở ngại khác lại ập đến. Hơn nữa, lúc đầu anh chỉ hăm hở lao vào xây dựng trang trại, hoàn thiện hạ tầng mà sao nhãng kỹ thuật canh tác. Do đó, bỏ ra hàng trăm triệu đồng nhưng mỗi lần thu về chỉ vài trăm nghìn đồng. Làm nông nghiệp được 1 năm, nguồn vốn vơi cạn dần mà cánh cửa thành công thì ngày một thu hẹp với anh.
Sau nhiều đêm trăn trở, Tuấn Anh nhận ra rằng làm nông nghiệp không thể ồ ạt mà phải có sự tính toán, cân nhắc để giảm thiểu những tổn thất, bất lợi có thể gặp phải. Vẫn kiên định lựa chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhưng anh chỉ tập trung tìm tòi, nghiên cứu kỹ về con giun quế. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại đầu, anh tự ủ phân chuồng chứ không mua trực tiếp như trước. Nhờ vậy giun quế sinh trưởng, phát triển tốt. Anh đã có thể nhân giống giun quế để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Hiện tại, Tuấn Anh là người nuôi giun quế với quy mô lớn nhất tỉnh. Anh sở hữu 24 chuồng nuôi giun quế, mỗi tháng thu 1 tấn giun tinh để nuôi gà và 10 tấn phân giun phục vụ cho việc trồng rau hữu cơ. Sắp tới, anh dự định nhân giống giun Nhật, giun Ấn Độ, mở rộng quy mô nuôi lên 75 chuồng với tổng diện tích 1.500 m2. Việc trồng rau, nuôi gà lấy trứng hữu cơ cũng thuận lợi hơn. Đối với rau màu, anh cũng không trồng theo cảm hứng, chọn những giống mới, khó thích nghi với điều kiện sản xuất như trước nữa mà chỉ thâm canh các loại rau truyền thống để tăng năng suất, tạo lợi nhuận trước mắt, nuôi ước mơ lâu dài.
Những khó khăn trong sản xuất dần được tháo gỡ thì lại đến khó khăn trong khâu tiêu thụ do người tiêu dùng chưa hiểu đầy đủ về thực phẩm hữu cơ. Không chấp nhận bán sản phẩm trôi nổi trên thị trường, anh Tuấn Anh chủ động liên hệ với những bếp ăn tập thể của các trường học bởi theo anh đây là nơi giá trị dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Không nằm ngoài dự tính của anh, 40 trường học ở các huyện Nam Sách, Thanh Miện, Kim Thành và thị xã Chí Linh đã đồng ý để trang trại của anh Tuấn Anh trở thành đơn vị cung ứng nguồn thực phẩm sạch phục vụ học sinh trong trường. Sắp tới, anh còn dự định mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm để đông đảo khách hàng biết đến.
Nhằm trau dồi thêm kiến thức, anh thường xuyên kết nối với những chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, mời họ về tham quan trang trại của mình, từ đó tiếp thu những nhận xét, góp ý để hoàn thiện dần mô hình sản xuất.
Lúc đầu người dân địa phương đều nghĩ việc làm của Tuấn Anh là hành động bồng bột, nông nổi của một chàng công tử bột quen sống trong giàu sang nên nhàm chán, muốn tìm cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, khi thấy nước da trắng trẻo của anh bắt đầu rám nắng, đôi bàn tay dần chai sạn vì tập lái máy làm đất, máy cày thì mọi người hiểu rằng anh thật sự nghiêm túc với ước mơ của mình. Hiện tại, anh đã quen với việc đeo ủng thay vì xỏ giầy, quen sử dụng các dụng cụ nông nghiệp chứ không còn lúng túng, vụng về như trước.
So với các trang trại khác, mô hình nông nghiệp của Tuấn Anh không lớn nhưng nó thể hiện được tư duy sản xuất mạch lạc, có sự liên kết giữa các khâu và đón đầu xu hướng phát triển của nông nghiệp là hướng tới nông nghiệp hữu cơ. Niềm say mê, yêu thích với nông nghiệp đã tạo động lực giúp anh gắn bó với lĩnh vực vốn chứa đựng nhiều rủi ro. Cách nghĩ, cách làm của những người trẻ như anh sẽ lan tỏa và truyền cảm hứng cho giới trẻ để họ có thể mạnh dạn thử sức với ngành nghề không mới mẻ nhưng nhiều cơ hội và thử thách này. Từ đó sẽ mở ra hy vọng mới cho ngành nông nghiệp bởi tư duy sản xuất không còn theo lối mòn mà năng động, sáng tạo giống như tính cách của những người trẻ.
DŨNG CƯỜNG