Trong những ngày Tết cổ truyền, với người Việt, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình.
Vì đây là bữa cơm họp mặt để cùng ôn lại những vất vả vui buồn của năm qua, chuẩn bị bước sang năm mới tràn đầy hy vọng, mọi sự sẽ hanh thông tốt đẹp hơn.
Bữa cơm tất niên tạo không khí đầm ấm, tăng thêm sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình
Trong cái se se lạnh của tiết trời tháng chạp, ngồi nhìn xe cộ ngược xuôi, dòng người tấp nập, đường phố trang hoàng rực rỡ, mai đào khoe sắc thắm thoang thoảng hương thơm, đó cũng là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Năm nào cũng vậy, cứ đến những giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Mạc Minh Đức ở thôn Văn Mạc, xã Liên Mạc (Thanh Hà) lại đông vui, nhộn nhịp. Ông Đức có 4 người con, các con ông đều đã trưởng thành và công tác xa nhà, nên ngày Tết thường là dịp để cả gia đình đoàn tụ, quây quần.
Công việc chuẩn bị Tết được gia đình ông Đức chuẩn bị từ rất sớm: “Từ 25 Tết, vợ chồng tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa, ban thờ. Ngày 28 Tết thì đụng lợn, gói bánh chưng. Đây cũng là lúc các con, các cháu về quê ăn Tết cùng chúng tôi", ông Đức nói.
Sau khi mọi công việc xong xuôi, cũng là lúc cả gia đình quây quần bên nhau cùng dự bữa cơm tất niên, cùng trò chuyện, hỏi thăm sức khoẻ, chia sẻ những việc làm được trong năm cũ và những dự định trong năm mới.
Ông Đức tâm sự: “Gia đình chúng tôi có truyền thống trong những ngày Tết các con đều tập trung về thăm sức khoẻ, chúc Tết bố mẹ và cùng ăn bữa cơm tất niên để tạo không khí đầm ấm, tăng thêm sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Đây cũng là dịp giáo dục thế hệ trẻ phải luôn nhớ đến truyền thống của cha anh, để con cháu luôn có ý thức phát huy và gìn giữ những nét truyền thống đó”.
Cũng giống như gia đình ông Đức, việc họp mặt sum vầy trong ngày cuối cùng của năm cũ cũng được gia đình ông Lê Đức Thông, 70 tuổi ở thôn Đồng Bửa, xã Thanh Bính (Thanh Hà) duy trì như một nếp sống tốt đẹp trong nhiều năm qua. Các con ông đều đang công tác xa, nên những ngày Tết đoàn viên trở nên rất ý nghĩa.
Ông Thông cho biết: "Các con tôi hiện đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nên chỉ dịp này mọi người mới trở về sum họp. Sau khi cả gia đình đi tảo mộ, thắp hương ông bà tổ tiên, sẽ trở về cùng dự bữa cơm trong ngày cuối cùng của năm cũ".
Ngày Tết không chỉ là ngày mà cả gia đình được sum họp, đoàn tụ, mà còn là dịp để các thành viên chia sẻ về cuộc sống, công việc. Cũng là dịp để ông bà giáo dục con cháu, chỉ bảo những điều hay, lẽ phải, kể cho con cháu nghe về những phong tục đẹp trong ngày tết. “Tôi thấy trong ngày cuối năm mà toàn thể gia đình có thể cùng nhau quây quần ngồi ăn bữa cơm tất niên là một điều rất hạnh phúc. Đây là một nét đẹp truyền thống của dân tộc mà mỗi gia đình cần gìn giữ và phát huy”, ông Thông bùi ngùi.
Theo quan niệm xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn. Cỗ cúng tất niên mỗi nơi mỗi khác nhưng nhất thiết phải có đủ bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem rán, thịt đông… Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu ngũ quả, các đồ lễ đều phải tươi tốt nhất.
Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Bữa cơm tất niên để lại ấn tượng trong mỗi người một cảm xúc khó quên, đến nỗi dù có đi đâu xa, người ta vẫn thường nhớ đến bữa cơm đặc biệt này và cùng hướng về nơi có những người thân đang quây quần bên mâm cơm tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón xuân sang.
ĐỨC ANH