Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại hai đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế kỷ XX. Nhưng ông lại không được đào tạo qua trường lớp quân sự nào.
Tài thao lược của ông được rèn giũa, phát triển bằng tinh thần tự học, bằng thực tế chiến đấu, bằng trí tuệ uyên thâm, nhạy cảm của một thiên tài quân sự. Sự khác biệt của vị Đại tướng Việt Nam - Võ Nguyên Giáp - đã khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục. Họ suy tôn ông là “danh tướng”, “một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại”, “một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử”...
Thiên tài quân sự khiến đối phương nể phục
Trong số ra ngày 9.2.1968, giữa những căng thẳng khốc liệt của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại Việt Nam, trên trang bìa tạp chí Time của Mỹ đã đăng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với title lớn nổi bật, nguyên văn: “North VietNam: The Red Napoleon”. Tác giả bài viết đã dành lượng lớn thông tin nói về Tướng Võ Nguyên Giáp, kèm theo câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: "Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike" (tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).
Đó có lẽ là dự báo cho thất bại của Mỹ, ngụy, trong cuộc đối đầu với đội quân “bất khả chiến bại” do vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, Điện Biên Phủ chính là cái mốc làm chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc. Khi điều đó thực sự xảy ra, người ta càng thêm ngưỡng mộ tài năng của vị Đại tướng Việt Nam, người chỉ huy đội quân của mình dựng lên cái “mốc” vĩ đại đó. Các dân tộc châu Phi và Mỹ Latinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ. Danh tiếng của ông được bạn bè năm châu ngưỡng mộ sâu sắc.
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, tướng chỉ huy Pháp De Castries khẳng định, mình đã làm hết sức trên chiến trường và thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Không chỉ có De Castries, dường như bất cứ ai, bất kể là người ở cương vị nào biết tới “Người anh cả” của quân đội Việt Nam, đều bị thuyết phục và kính phục trí tuệ, nhân cách cùng tài năng của ông. Trong con mắt của người phương Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là một “hiện tượng đặc biệt” trong thế giới quân sự. Từng đối đầu nhau trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – Đại tướng Marcel Bigeard vẫn phải thừa nhận: “Hồi ấy, nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Điều đó cho thấy sức thuyết phục và lôi cuốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vô cùng lớn.
Tướng Mỹ William Westmoreland, nguyên Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, cũng đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã hội tụ được tất cả những phẩm chất làm nên một thống lĩnh quân sự vĩ đại gồm “khả năng quyết đoán, sức mạnh tinh thần, sự tập trung và trí tuệ”.
Đại tướng Anh Peter Macdonald, đồng thời là một nhà phân tích về chiến lược, trong cuốn "Giap an assessment" viết: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Trong tác phẩm "Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam”, nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B.Currey tiếp tục bày tỏ sự kính phục của mình: "Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX, và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”.
Sau tất cả, những lời đánh giá của các nhà nghiên cứu và của chính lịch sử đã khẳng định tài năng xuất chúng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc nhiều viên đại tướng của Pháp, Mỹ phải hứng chịu thất bại ở Việt Nam. Đây không chỉ là chiến công lẫy lừng của quân và dân ta mà còn là sự kiện nổi bật trong lịch sử chiến tranh ở thế kỷ XX. Chính vì thế, tướng Mỹ William Westmoreland gọi ông là "Tướng huyền thoại" (Legendary Giap) và người Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông một cách kính trọng là "Đại tướng 5 sao".
Danh tướng kiệt xuất của nhân loại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là tên vị tướng châu Á được phương Tây và thế giới nhắc tới nhiều nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bằng sự kiêng nể, kính trọng và ngưỡng mộ sâu sắc, không chỉ vì những chiến công có tác động làm thay đổi dòng chảy lịch sử, mà còn bởi ông là một vị tướng đặc biệt, được nuôi dưỡng, rèn luyện trong những điều kiện đặc biệt và lập nên những kỳ tích khó có thể tưởng tượng được. Năm 2006, “Thời báo châu Á” (Times Asia) số ra đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, đã dành một bài viết dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong loạt bài viết tôn vinh các “Anh hùng châu Á” - những nhân vật nổi tiếng làm thay đổi cục diện châu lục trong những năm nửa cuối của thế kỷ XX.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954
Theo Time Asia, nhờ tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch quân sự kéo dài 56 ngày đêm và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của một lực lượng kháng chiến châu Á đánh thắng quân đội thực dân trong một trận chiến quy mô và làm tiêu tan huyền thoại về sự vô địch của phương Tây thời đó.
Không chỉ báo chí châu lục, giới nghiên cứu và dư luận phương Tây và Mỹ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới. Đặc biệt, trong số 10 bức chân dung được tạc tượng bằng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất London, chỉ duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc tượng khi vẫn đang còn sống.
Trong Bách khoa toàn thư của nhiều nước, tên và hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".
Tác giả G.Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, cũng viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.
Tân bách khoa toàn thư của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutudôp, Napoléon... đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tập 10, tr.88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tập 10, trang 493-494).
Và đúng như sử gia Anh Peter Macdonald đã viết, “ngày 25.8.1911, ở làng An Xá (tỉnh Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Chúng ta mãi mãi tự hào về vị Đại tướng kính yêu của nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự kiệt xuất của nhân loại. Một huyền thoại.
Theo TTXVN