Nhiều xã chưa có sân vận động trung tâm hoặc đã có nhưng không bảo đảm chất lượng khiến việc tổ chức lễ khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VIII gặp nhiều khó khăn.
Bí địa điểm, nhiều xã phải tổ chức lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở ở sân trường học,
sân UBND xã và sân vận động các thôn nên quy mô, chất lượng hạn chế
Ảnh hưởng đến chất lượng lễ khai mạcChưa xây được sân vận động trung tâm nên xã Quang Trung (Tứ Kỳ) phải tổ chức lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) lần thứ VIII tại khoảng sân trước cửa UBND xã. Khoảng sân này chỉ rộng khoảng 2.000 m2, tuy diện tích không bảo đảm nhưng ngoài chỗ này thì ở địa phương cũng không còn nơi nào tốt hơn. “Lễ khai mạc vẫn diễn ra với đầy đủ nội dung theo hướng dẫn của cấp trên nhưng quy mô hạn chế nhiều. Địa điểm tổ chức quá chật hẹp, chúng tôi phải cắt bớt lực lượng ở 4 khối tham gia diễu hành”, ông Vũ Duy Kê, Chủ tịch UBND xã Quang Trung nói.
Ngay cả những xã chuẩn bị về đích nông thôn mới như Thanh Giang (Thanh Miện) cũng bí địa điểm tổ chức lễ khai mạc Đại hội TDTT. Dự kiến vào tháng 8 tới đây, xã sẽ tổ chức lễ khai mạc đại hội tại sân bóng đá mi ni chỉ rộng 1.300 m2. Theo ông Nguyễn Trác Thăng, Trưởng Ban Văn hóa - Thông tin xã, trước đây sân vận động này rộng 6.000 m2. Do Trường THCS không đủ diện tích để đạt chuẩn nên năm 2008 xã cắt phần lớn diện tích sân vận động về cho trường xây cơ sở hạ tầng. Đại hội TDTT lần trước của xã cũng tổ chức ở địa điểm này. Có tổng cộng 16 khối với khoảng 1.200 người tham gia diễu hành biểu dương lực lượng. Các khối phải tập kết từ trong sân nghĩa trang liệt sĩ và đứng dọc đường tỉnh 392B. Người dân đến xem phải đứng ở lề đường, khiến giao thông ùn tắc.
Hiện vẫn còn nhiều xã, thị trấn chưa xây được sân vận động trung tâm. Tình trạng này hầu như ở huyện nào cũng có. Huyện Tứ Kỳ còn 15 xã chưa có sân vận động (chiếm 55%), huyện Cẩm Giàng còn 7 xã (chiếm 36,8%), huyện Thanh Miện cũng còn 6 xã, thị trấn (chiếm 33%)… Nhiều xã đã có sân vận động nhưng chưa bảo đảm tiêu chuẩn, còn lồi lõm, gồ ghề, để cỏ dại mọc. Có nơi chính quyền ít quan tâm nâng cấp sân vận động, người dân tự do để vật liệu xây dựng và chăn thả trâu bò trong sân. Do đó, mỗi khi Đại hội TDTT diễn ra các xã thường bí địa điểm tổ chức lễ khai mạc và các môn thi đấu tập thể như bóng đá, kéo co. Hầu hết các địa phương phải chọn giải pháp tổ chức ở sân trường hoặc sân vận động các thôn với diện tích chật hẹp, quy mô không bảo đảm. “Vị trí tổ chức chật chội, nhiều xã phải cắt bớt lực lượng nên quy mô buổi lễ khai mạc Đại hội TDTT không hoàn chỉnh. Các tiết mục đồng diễn cũng bị hạn chế về số lượng, chất lượng”, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thanh Miện nói.
Vấn đề nan giảiKhó khăn lớn nhất hiện nay mà các địa phương đang gặp phải trong xây dựng sân vận động trung tâm là kinh phí. Nhiều xã đã có mặt bằng nhưng lại không có tiền đầu tư xây dựng. Ông Vũ Đình Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết sau dồn điền, đổi thửa địa phương đã quy hoạch được hơn 16.000 m2 đất công điền ở thôn Phù Tải 2 để xây dựng sân vận động trung tâm. Xã dự kiến làm công trình này vào năm 2016 với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do bí vốn nên việc xây dựng chưa thể thực hiện. “Xã đặt quyết tâm sẽ về đích nông thôn mới trong năm 2017. Chúng tôi đã thuê thiết kế và sắp tới triển khai xây dựng sân vận động. Nhưng để làm được việc này vẫn cần hỗ trợ của cấp trên, chứ địa phương rất khó khăn”, ông Nguyễn nói.
Những xã chưa có mặt bằng để xây dựng sân vận động trung tâm còn khó khăn gấp bội. Ông Vũ Duy Kê, Chủ tịch UBND xã Quang Trung than: “Chúng tôi đã quy hoạch hơn 8.000 m2 đất 03 ngay cạnh UBND xã để xây sân vận động nhưng không có kinh phí đền bù cho dân. Xây dựng sân vận động cũng phải mất hàng tỷ đồng. Nếu thu được tiền từ bán đấu giá quyền sử dụng đất thì cũng phải ưu tiên xây dựng trường THCS trước”.
Bí địa điểm tổ chức lễ khai mạc Đại hội TDTT cấp cơ sở như một căn bệnh “nan y” khó chữa. Qua nhiều kỳ đại hội, thực trạng này vẫn tồn tại và chắc chắn không thể sớm khắc phục nếu chưa được quan tâm đúng mức.
BÌNH MINH