Đại hội Công đoàn XII: Hiến kế giúp triển khai hoạt động công đoàn hiệu quả hơn

26/09/2018 14:34

Qua những thảo luận, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII sẽ chắt lọc những hiến kế, giải pháp để triển khai hoạt động công đoàn hiệu quả hơn trong thời gian tới.



Tiếp tục Chương trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2018 – 2023), sáng 26.9, Đại hội tiến hành thảo luận tại 12 trung tâm về những chủ đề trọng tâm trong hoạt động công đoàn. Qua những thảo luận của các trung tâm này, Đại hội sẽ chắt lọc những hiến kế, giải pháp để triển khai hoạt động công đoàn hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh

Điều hành phiên thảo luận tại trung tâm 1 với chủ đề “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Chủ đề này là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức công đoàn trong thời gian qua và trong nhiệm kỳ tới.

Với vai trò điều hành, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến về các vấn đề: tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, chăm lo ngày càng tốt hơn lợi ích cho đoàn viên…; đề xuất các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn, nhất là việc phân định chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm…; công tác cán bộ công đoàn và vấn đề công tác công đoàn tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Đề nghị đại biểu đề xuất các giải pháp thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh; công tác bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ, đoàn viên công đoàn ưu tú để Đảng xem xét, bồi dưỡng và kết nạp Đảng và cả việc công đoàn giới thiệu, bồi dưỡng cán bộ để bổ sung đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp

Với chủ đề Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu tham gia thảo luận tại Trung tâm số 2 đã nêu nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung này. 

 Theo Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Vũ Anh Đức, Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm” là một trong ba khâu đột phá nằm trong mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Theo đó, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực và trình độ cán bộ công đoàn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đã được đề ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam; đồng thời được các cấp công đoàn triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, đạt được nhiều kết quả tích cực, là cơ sở để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn; góp phần khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ công đoàn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cán bộ công đoàn chuyên trách còn mang nặng tư duy của thời kỳ “công đoàn nhà nước”, công chức hóa, hành chính hóa các hoạt động công đoàn. Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở tuy đông nhưng không mạnh, nhiều cán bộ chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng và lúng túng trong phương pháp tổ chức các hoạt động của công đoàn. Bên cạnh đó, công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiến trình hội nhập quốc tế đang tạo ra những thay đổi cơ bản về môi trường hoạt động của công đoàn.

Do đó, việc xác định “Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm” là một trong ba khâu đột phá nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là hết sức đúng đắn và là yêu cầu cấp thiết, đặt ra đối với tất cả các cấp công đoàn, trong nhiệm kỳ tới.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Trung tâm 2 đã nêu một số vấn đề hiện nay trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm như: Việc đổi mới công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách; yếu tố lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ở cơ sở nhất là đối với chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước thời gian tới... 

Nâng cao hiệu quả thực hiện thỏa ước lao động tập thể 

Với chủ đề "Nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể", các đại biểu tại Trung tâm 6 đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết gửi Đại hội. 

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI Mai Đức Chính cho biết, công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Về chất lượng, tăng những bản thỏa ước xếp loại A, B, chứng tỏ sự nỗ lực cố gắng của các cấp công đoàn, đặc biệt là vai trò của công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở.

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, như: Đưa ra được tiêu chí để giúp các địa phương trong việc đánh giá xếp loại thỏa ước lao động tập thể (có sự phân loại A, B, C, D); đã xây dựng được thư viện về thỏa ước lao động tập thể. Hiện tư liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập hợp được khoảng trên 25.000 bản đang có giá trị thực hiện. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã hình thành được đội ngũ chuyên gia và giảng viên về thỏa ước lao động tập thể với sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế đến từ Đức. 

Hiện đã có 4 lớp hỗ trợ tập huấn cho 100 chuyên gia của 37 tỉnh, thành phố, từ đó hình thành mạng lưới chuyên gia và giảng viên về thỏa ước ở cả 2 khu vực phía Bắc, Nam. Tới đây lực lượng này sẽ là lực lượng nòng cốt của Liên đoàn lao động các bộ, ngành Trung ương, địa phương. 

Tuy nhiên, các đại biểu tại Trung tâm 6 cũng cho rằng còn nhiều hạn chế trong công tác thỏa ước lao động tập thể như: Số lượng thỏa ước lao động tập thể được ký kết còn thấp; tỷ lệ thỏa ước đạt loại C, D còn khá lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của một số lãnh đạo ở các Liên đoàn lao động tại địa phương còn chưa theo kịp yêu cầu.

Ông Mai Đức Chính cho rằng, theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Nhà nước sẽ giảm dần lộ trình can thiệp vào thang bảng lương, tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào năm 2020. Vì vậy, tới đây vai trò của công đoàn là hết sức quan trọng trong việc thương lượng. Cùng với đó, trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai không xa, nhiều việc làm sẽ mất đi, do đó, công đoàn phải có hướng bảo vệ người lao động thông qua công tác thỏa ước.

Các đại biểu thảo luận tại Trung tâm 6 cũng nêu ý kiến đối với một số nội dung như: Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện các thỏa ước lao động tập thể; nâng cao vai trò của người lao động trong quá trình xây dựng và thực hiện các thảo ước lao động tập thể; thách thức trong việc giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể hiệu quả…

Xây dựng nguồn lực công đoàn đáp ứng tình hình mới

73 đại biểu đã tham gia thảo luận tại Trung tâm 11 với chủ đề: “Giải pháp xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”.

Các đại biểu cho rằng, chủ đề được đưa ra nhằm khẳng định tầm quan trọng của các nguồn lực tài chính, tài sản đối với sự phát triển của tổ chức công đoàn; những thuận lợi, khó khăn mà công tác tài chính - tài sản của tổ chức công đoàn đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đề xuất những giải pháp xây dựng nguồn lực đủ mạnh nhằm đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Một số đại biểu đã nêu ý kiến đối với định hướng, nội dung phát triển nguồn lực tổ chức công đoàn; các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến nguồn lực tài chính tài sản của tổ chức công đoàn...

Nhiều giải pháp xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới đã nêu lên tại thảo luận như: Đẩy mạnh các biện pháp tăng cường thu kinh phí công đoàn; giải pháp phân phối, quản lý các mô hình quản trị về đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế; các giải pháp tiết kiệm chi, tạo nguồn tài chính tích luỹ thực hiện nhiệm vụ của tổ chức…

Đại biểu Hoàng Thanh Hường (Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) nêu ý kiến: Việc tạo nguồn lực từ nguồn thu tài chính công đoàn, quản lý tốt nguồn thu, chi tiêu tiết kiệm hiệu quả, đúng mục đích luôn được Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm và tạo mọi điều kiện. Để tạo nguồn tài chính tích luỹ ổn định, lâu dài, bền vững cho tổ chức công đoàn, đại biểu Hoàng Thanh Hường cho rằng, các cấp công đoàn cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính công đoàn hàng năm, thu đúng, thu đủ, giảm thất thu; định kỳ, các cấp công đoàn phải xem xét kết quả thu tài chính của cấp mình để có giải pháp xử lý kịp thời; xây dựng kế hoạch thu kinh phí công đoàn của các đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở... 

Trước đó, tối 25.9, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII đã họp phiên thứ Nhất để bầu các chức danh Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm và 2 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2018 – 2023. Ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức danh Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII với số phiếu tín nhiệm 100%.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại hội Công đoàn XII: Hiến kế giúp triển khai hoạt động công đoàn hiệu quả hơn