Thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam... đã không thể dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nhiều trường đại học đã điều chỉnh phương án tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các em.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng, cho biết đề án tuyển sinh vào ĐH Đà Nẵng năm 2020 dựa trên 4 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và đề án tuyển sinh của từng trường thành viên; xét học bạ; dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực (do ĐH Đà Nẵng phối hợp với ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức).
Tuy nhiên, ước tính mỗi năm, thí sinh của Đà Nẵng và Quảng Nam chiếm khoảng 50% tổng số thí sinh nhập học.
Vì vậy, trường đã điều chỉnh lại phương án tuyển sinh.
Học sinh lớp 12 của Đà Nẵng |
Theo đó, ĐH Đà Nẵng sẽ xét trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức xét học bạ đối với thí sinh không thể thi tốt nghiệp được trong đợt này. Nghĩa là, những thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì được công nhận trúng tuyển tạm thời, khi thí sinh có chứng nhận tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển chính thức.
ĐH Đà Nẵng sẽ dành chỉ tiêu thích hợp để tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT đối với thí sinh không thi được trong đợt 1.
Trong trường hợp cần thiết, trường sẽ xin ý kiến Bộ GDĐT tăng chỉ tiêu năm 2020 cho ĐH Đà Nẵng để đảm bảo đủ chỗ cho các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển được nhập học.
Bên cạnh đó, ĐH Đà Nẵng đề nghị Bộ GDĐT cho phép được linh hoạt chuyển đổi các chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sang phương thức xét tuyển bằng học bạ. Đối với thí sinh từ các địa phương khác, trường vẫn xét tuyển bình thường như phương án đã công bố.
Nhiều trường xét điểm học bạ
Trong khi đó, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã ra thông báo điểm chuẩn trúng tuyển vào trường bằng phương thức xét tuyển học bạ.
Với thông báo này, đa số các các ngành có điểm trúng tuyển là 18 (tổng điểm 3 môn xét tuyển), riêng ngành Điều dưỡng Đa khoa là 19,5. Các điều kiện kèm theo là thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 điểm trở lên.
Các ngành dược sĩ, y đa khoa và bác sĩ răng-hàm-mặt có tổng điểm 3 môn xét tuyển là 24, học lực lớp 12 xếp loại Giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 điểm trở lên.
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân quyết định sẽ công nhận trúng tuyển tạm thời đối với những thí sinh chưa tốt nghiệp THPT để các thí sinh có thể nhập học. Khi thí sinh có chứng nhận tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển chính thức.
Đại diện Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Đà Nẵng) cũng cho biết sẽ công nhận trúng tuyển tạm thời với các thí sinh thi đợt 2, khi có kết quả tốt nghiệp THPT sẽ công nhận chính thức.
Cũng theo đại diện trường, trong phương án trước đây chỉ tiêu xét học bạ chiếm 40%, còn lại xét theo kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng tới đây, trường sẽ chuyển hết thành chỉ tiêu xét tuyển học bạ. Như vậy, về cơ bản đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh ở 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, cũng cho biết nhà trường đã điều chỉnh phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình hiện tại.
Cụ thể, các thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vẫn được tuyển sinh theo các phương thức đã đưa ra. Còn thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 được ưu tiên xét tuyển học bạ.
Nghĩa là trường sẽ công nhận trúng tuyển trước cho những thí sinh đủ điều kiện, sau khi thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT sẽ được công nhận chính thức. Trường sẽ dành tỷ lệ 60% cho phương thức xét tuyển học bạ và 40% dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Với phương án này, các thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vẫn có quyền lợi, cơ hội tương đương với các thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1” - ông Hoàn khẳng định.
Ngoài ra, những thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT nếu muốn rút hồ sơ, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện cho các em.
Theo Vietnamnet