Không còn quá coi trọng học đại học, nhiều học sinh đã biết tìm đường đi phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Đây là tín hiệu đáng mừng để giảm tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".
Trường THPT Kim Thành 2 có số học sinh chỉ thi tốt nghiệp nhiều hơn số thi đại học
Chỉ thi tốt nghiệpChuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia song em Tăng Thị Thu Dung (lớp 12B, Trường THPT Kim Thành 2) không cảm thấy lo lắng nhiều bởi em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp. "Em định sau khi tốt nghiệp THPT thì đi học nghề may, xin việc ở các công ty gần nhà hoặc đi bán hàng. Vì thế, em không bị áp lực nặng nề về việc học và thi lắm dù lực học của em chỉ ở mức trung bình. Em nghĩ chỉ cần học và ôn tại trường là có thể đỗ", Thu Dung nói.
Những thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp như Thu Dung không phải là cá biệt. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, không thi đại học ở mức khá cao. Năm 2015 tỷ lệ này là 42,8%, năm 2016 là 47,94% và năm nay là 36,2%. Trường THPT Kim Thành 2 năm nay có 50,71% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp, nhiều hơn số thí sinh thi đại học. Ở các trường thuộc tốp đầu trong tỉnh, số lượng thí sinh chỉ thi tốt nghiệp không chiếm áp đảo nhưng cũng dần tăng. Trường THPT Chí Linh năm nay có 41 em chỉ thi tốt nghiệp, trong khi những năm trước đây gần như 100% số học sinh lớp 12 đều thi đại học.
Hầu hết thí sinh chỉ thi tốt nghiệp đều đã xác định con đường tiếp theo sau khi các em tốt nghiệp THPT. Những học sinh có lực học trung bình khá trở xuống thường sẽ đi học nghề, đi làm ngay tại các khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa là những học sinh có lực học tốt, điều kiện kinh tế gia đình khá giả sẽ du học nước ngoài. Những học sinh này cũng không chịu nhiều áp lực trước kỳ thi THPT quốc gia. Em Nguyễn Đan Chi (lớp 12 toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi) cho biết: "Em dự định sẽ đi du học tại Pháp ngành khoa học vật liệu tiên tiến. Vì thế, kỳ thi này đối với em không quá nặng nề. Các điều kiện để đi du học thì em đã chuẩn bị trong suốt những năm THPT".
Xuất phát từ thực tếNhững thí sinh không thi đại học thường do sự định hướng từ phía gia đình. Cha mẹ học sinh ngày nay không còn quá ưa chuộng mác "đại học" mà có những lựa chọn thực tế hơn. Chị Nguyễn Thị Hậu (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) cho biết: "Con gái tôi có lực học trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi khuyên cháu không nên thi đại học mà học nghề gì đó ngắn hạn rồi đi làm. Nhiều sinh viên học giỏi ra trường còn thất nghiệp nên không nhất thiết phải học đại học".
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Tại các khu công nghiệp của Hải Dương, nhiều người phải giấu bằng đại học, làm những công việc chỉ cần đào tạo trong thời gian ngắn hơn. Thực tế đó khiến giảng đường đại học không còn là giấc mơ cho các gia đình kinh tế khó khăn, con em có lực học bình thường. Nhiều gia đình khá giả thì đầu tư cho con du học với hy vọng sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh khi các em tốt nghiệp đại học tại nước ngoài. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia "2 trong 1" một cách nghiêm túc, chặt chẽ và đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp trong trường THPT cũng góp phần phân luồng học sinh mạnh mẽ.
Tác dụng trước mắt của xu hướng này là giảm tải cho công tác tuyển sinh vào các trường đại học. Khi lượng thí sinh giảm, các trường đại học buộc phải cạnh tranh quyết liệt để chiêu sinh. Về lâu dài, các trường phải đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, hướng nghiệp để sinh viên dễ kiếm được việc làm phù hợp sau khi ra trường. Số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề, đi làm ngay hoặc xuất khẩu lao động dần dần sẽ giúp cân bằng cung - cầu trong thị trường lao động, giảm bớt tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" những năm qua. Bản thân những học sinh này cùng gia đình các em sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
VIỆT HÒA