Các đại biểu Quốc hội cho rằng chủ trương tiết kiệm cần bắt đầu từ sự thay đổi về nhận thức và giáo dục lối sống, từ trẻ em cũng phải học tiết kiệm.
Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 24.7. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Trao đổi bên lề phiên tổng thể của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, các đại biểu đều đồng tình với Báo cáo về công tác tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 do Bộ trưởng Tài chính trình bày chiều 24.7, song các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thường xuyên...
Không nên tiết kiệm nhân sự ngành giáo dục, y tế
Theo đề xuất của Chính phủ, để thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí, nhiệm vụ giải pháp 2021 đặt ra chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn bởi mục tiêu này liên quan đến nhân sự hai ngành lớn là giáo dục và y tế.
“Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, cả hệ thống chính trị-xã hội đang vào cuộc. Chúng ta đang huy động đến cả lực lượng sinh viên ngành y, nên thực tế biên chế ngành này vẫn còn thiếu. Tôi đề nghị không đặt ra vấn đề này cho đến khi kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh”, đại biểu nêu ý kiến.
Tương tự, đại biểu cho rằng cắt giảm biên chế ngành giáo dục cũng không khả thi.
“Biên chế ngành giáo dục tại các địa phương đặc biệt là vùng sâu, vùng xa hiện rất thiếu giáo viên tiểu học, mầm non. Chúng ta vẫn luôn đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, giảm quy mô lớp học để bảo đảm chất lượng giảng dạy. Các lớp học ở đô thị thường có sĩ số lớp rất đông, nếu muốn chia nhỏ lớp học, điều chỉnh sĩ số đồng nghĩa với việc phải tăng số lượng giáo viên,” đại biểu cho biết.
Đặc biệt, năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và nêu giải pháp nhân lực cho ngành giáo dục, y tế bằng cách nới rộng tuyển dụng hợp đồng. Do đó, đại biểu Mai Thoa cho rằng cần hết sức cân nhắc việc cắt giảm biên chế để bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản của Chính phủ.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại một phiên thảo luận tổ
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng dư luận phản ánh tình trạng cán bộ Nhà nước “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là đúng nhưng khó có thể thống kê được thực trạng số lượng nhân lực thừa thiếu tại các cơ quan. Đại biểu đồng tình với việc tinh gọn bộ máy và cho rằng doanh nghiệp tư nhân luôn có sự chọn lọc nhân sự sát sao, doanh nghiệp Nhà nước cũng phải làm được điều đó.
“Thậm chí có thể dùng đến phương pháp yêu cầu cán bộ ghi chép vào sổ hằng ngày, báo cáo công việc mình thực hiện được, thời gian thực hiện trong bao lâu. Từ đó sẽ thấy được có thừa biên chế ở các cơ quan Nhà nước hay không”, đại biểu nói.
Tiết kiệm phải đi vào thực chất
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương tiết kiệm chống lãng phí, song đại biểu đặt ra vấn đề phải làm sao để việc này không chỉ là hình thức, hô hào khẩu hiệu mà phải được thực hành rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Để làm được điều đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp tạo ý thức, lối sống của người dân, cán bộ đảng viên phải nêu gương đầu tiên.
“Ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, người dân có thói quen tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất. Chúng ta có thể nhìn sang Nhật Bản để học tập, từ đó để có sự thay đổi về nhận thức và giáo dục lối sống, từ trẻ em cũng phải học tiết kiệm,” đại biểu nói.
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Dẫn ví dụ ở việc đầu tư dự án, đại biểu cho rằng không chỉ ngân sách Nhà nước cần tiết kiệm còn các nguồn khác thì có thể đầu tư tràn lan, đó là hiểu chưa đúng về chống lãng phí.
“Nguồn nào cũng đáng quý. Tôi cho rằng phải chống lãng phí ở mọi nguồn lực, chứ không chỉ nguồn ngân sách Nhà nước,” đại biểu nói.
Chủ trương tiết kiệm song đại biểu cũng đề cập đến việc cắt giảm kinh phí chi thường xuyên hằng năm có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
“Cắt giảm chi thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng việc triển khai nhiệm vụ rất khó khăn. Khi xây dựng dự toán, đề phòng trường hợp bị cắt giảm thì các cơ quan lại báo cáo dôi dư lên đề phòng bị cấp trên cắt giảm đi là vừa. Như thế là chúng ta chỉ tiết kiệm trên hình thức chứ không thực chất,” đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cũng rất đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng trong lĩnh vực tài chính ngân sách thì kể cả chi thường xuyên đều có định mức và tiêu chuẩn, chỉ có thể từng bước xem xét thực tiễn để quy định pháp luật.
“Trước đây chúng ta đặt ra mục tiêu sản xuất, xuất khẩu đường đến mức hầu như tỉnh nào cũng có nhà máy mía đường nhưng sau này các nhà máy thua lỗ dẫn đến giải thể và phá sản, vậy thì thời điểm này là lãng phí, nhưng ban đầu thì quy hoạch nhà máy là đúng,” ông lấy ví dụ.
Tương tự, trong quy hoạch đường bộ ở một tỉnh có dân số không cao nhưng lại làm đường to quy mô 4 làn xe. Người dân nhìn vào thấy lãng phí nhưng sau khoảng 5 năm khi tỉnh phát triển, dân số tăng lên thì có thể thấy như vậy là phù hợp.
“Thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí là đúng vì lãng phí còn nguy hiểm hơn tham nhũng, song chúng ta phải mở rộng tầm nhìn, tính đến hiệu quả thực tiễn để tiết kiệm mà vẫn đạt yêu cầu phát triển,” ông nói.
Theo Vietnam+