Đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều kiến nghị phát triển kinh tế

22/05/2018 22:26

Các số liệu của Chính phủ cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tập trung vào một số ngành, một số doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 22.5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, thảo luận Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. 

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của Chính phủ, đến cuối năm 2017, thông tin về kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất tốt. 

Nền kinh tế đã phát triển ổn định và bền vững hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục không cần thiết. 

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ rõ, các số liệu của Chính phủ cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tập trung vào một số ngành, một số doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, sản phẩm xuất khẩu cao, đóng góp cho tăng trưởng nhiều. 

Bên cạnh đó, tính kết nối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thực sự chưa hiệu quả. 

Một số đại biểu bày tỏ lo ngại về vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua; đồng thời đề nghị Chính phủ bảo đảm tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; chấn chỉnh lại công tác quản lý nhà nước về đất đai, về tài sản công; quản lý đô thị, quy hoạch đô thị... 

Các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến về các vấn đề còn gây bức xúc nhằm đưa ra những giải pháp căn bản đối với các vấn đề an sinh xã hội như cần tạo hành lang pháp lý bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm các vụ vi phạm an toàn thực phẩm... 

Chiều 22.5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). 

Đa số đại biểu tán thành việc kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 16 dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). 

Theo đó, kết hợp này nhằm gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo chương trình, sáng 23.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.


Theo (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều kiến nghị phát triển kinh tế