Dịp Tết đến xuân về, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình người Việt.
Năm nay, nhiều người Hải Dương đã lựa chọn bánh chưng nếp cẩm để thưởng thức hương vị mới trong dịp Tết cổ truyền.
Bánh chưng nếp cẩm có hình dáng và màu sắc độc đáo nên được nhiều người ưa chuộng
Ảnh do nhân vật cung cấp
Độc đáo Gần 1 năm nay, bánh chưng nếp cẩm của chị Đỗ Thị Cúc, thôn Lang Can, xã Thanh Lang (Thanh Hà) được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Chị Cúc cho biết: “Em được thưởng thức bánh chưng nếp cẩm lần đầu tiên khi đến nhà bạn chơi. Đây là đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái". Thích thú với vị rất lạ và đẹp mắt của món ăn này, chị Cúc đã tự mày mò học hỏi và tập làm. Ban đầu chị chỉ làm tặng bạn bè, họ hàng, sau thấy nhiều người biết đến và đặt mua, chị mới làm để bán.
Bánh chưng nếp cẩm có nhiều loại như bánh chưng tím và bánh chưng đen. Cũng có tên gọi bánh chưng nếp cẩm nhưng bánh màu đen ở một số vùng như Hà Giang, Lào Cai được làm từ gạo nếp thường và nhuộm bằng lá rừng hoặc tro rơm nếp, tro gỗ cây rừng, còn bánh chưng nếp cẩm ở Yên Bái có màu tím do được làm từ gạo nếp cẩm. Dù khác nhau về màu sắc, mùi vị nhưng để làm nên một chiếc bánh chưng nếp cẩm ngon đòi hỏi người làm bỏ ra không ít công sức. Sau những lần tập gói và nhiều mẻ bánh không ngon, chị Cúc đã quyết định sử dụng gạo nếp cẩm nhập từ Lạng Sơn để có những chiếc bánh ngon. Đây là gạo nếp cẩm loại 1, hạt bóng, tròn, mẩy, mượt, đều tăm tắp, không vỡ, vì vậy lớp vỏ bánh khi chín sẽ rất mềm. Làm đi làm lại đến lần thứ 5 thì chị Cúc thành công, mọi người ăn thử đều khen ngon.
Chị Cúc tiết lộ công đoạn làm bánh chưng nếp cẩm cũng tương tự như làm bánh chưng xanh. Để gói được những chiếc bánh chưng ngon phải chuẩn bị rất cầu kỳ từ gạo nếp cẩm, lá dong, đỗ xanh cho đến lạt giang. Những chiếc lá dong bánh tẻ màu xanh bóng được rửa sạch sẽ, để ráo nước, lau khô. Gạo nếp cẩm ngâm đãi thật kỹ, xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà. Đỗ xanh chọn loại nhỏ, ruột vàng, đồ vừa chín tới. Thịt ba chỉ ngon thái miếng dày ướp đủ gia vị muối, tiêu, hành. Lạt buộc bánh là loại lạt giang đủ mềm và chắc… Khác với bánh chưng thông thường hình vuông vức, bánh chưng nếp cẩm được gói hình trụ dài khoảng 30 cm, đường kính khoảng 7 cm với lạt dài buộc chặt. Khi gói cần chặt tay, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Trước khi luộc, bánh được đem ngâm qua nước lạnh một lần, sau đó xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun bằng củi từ 6-8 tiếng vớt ra để nguội. Khi thưởng thức, bánh được cắt thành từng khoanh. Màu tím mượt mà của nếp cẩm sẽ làm nổi bật màu vàng tươi của lớp nhân đậu xanh chắc nịch, màu hồng tươi của thịt nạc. Người ăn cảm nhận rõ vị bùi, thanh mát, mùi thơm quyện của lớp gạo nếp cẩm cùng vị ngọt đậm đà của thịt, khác hẳn với hương vị của bánh chưng xanh truyền thống.
Khách hàng ưa chuộngNhiều khách hàng rất hài lòng với món ăn mới lạ, độc đáo này. Chị Vũ Thị Trang ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: “Được bạn bè giới thiệu, tôi mua bánh chưng nếp cẩm về thắp hương và thưởng thức. Ăn thấy bánh rất bùi, thơm và dẻo, hương vị thanh mát khác lạ. Vì vậy, Tết này tôi sẽ đặt vài cặp bánh chưng nếp cẩm để thắp hương và biếu gia đình hai bên nội ngoại”. Cũng như chị Trang, chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Ăn bánh chưng nếp cẩm khá ngon miệng lại không có cảm giác nóng và nhanh ngán như bánh chưng xanh truyền thống. Bánh để được cả tuần không bị mốc, hỏng. Từ khi biết đến tôi chuyển hẳn sang đặt hàng bánh chưng nếp cẩm để thắp hương vào dịp lễ, Tết”.
Theo tiết lộ của chị Cúc, dù bánh có giá 55.000 đồng/chiếc, 5 chiếc trở lên có giá 50.000 đồng/chiếc, không hề rẻ so với bánh chưng xanh truyền thống nhưng luôn được khách hàng đón nhận, hàng làm ra không kịp bán. “Những ngày đầu em chỉ làm khoảng vài chục chiếc/ngày. Sau này khách đặt nhiều, có thời điểm em làm cả trăm chiếc/ngày. Tết này em dự định làm hơn 1.000 bánh để phục vụ khách”. Do không có cửa hàng, chị Cúc thường làm bánh ở nhà rồi bán hàng qua mạng hoặc khách đặt qua người quen, qua điện thoại.
Mang đậm hương vị và màu sắc độc đáo của núi rừng, bánh chưng nếp cẩm là một khúc biến tấu ngon và lạ của chiếc bánh chưng xanh truyền thống. Đây cũng là sự lựa chọn hợp lý cho những người muốn thay đổi khẩu vị trong dịp Tết cổ truyền năm nay.
VIỆT QUỲNH