Đã tắt một giọng ca vàng

28/06/2011 18:32

NSND Quý Dương, giọng ca vàng của âm nhạc Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng. Ông sinh ra ở Hải Dương nên có tên Quý Dương với hàm nghĩa “Quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”.

Giọng ca vàng một thời và cũng là nghệ sĩ hàng đầu của nền thanh nhạc Việt Nam hiện đại NSND Quý Dương đã ra đi vào chiều 28-6, sau gần 10 năm chống chọi nhiều căn bệnh quái ác.

NSND Quý Dương tên thật là Phạm Quý Dương, sinh năm 1936. Quê gốc Gia Lâm-Hà Nội songlại được sinh ra ở Hải Dương nên cha mẹ ông chọn tên Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “quý tử sinh ở đất Hải Dương”.

Cố NSND Quý Dương

Tròn 17 tuổi, khi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thủ đô, chàng thanh niên Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi Xanh đi hát phục vụ đồng bào.

Tốt nghiệp Trường Chu Văn An năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi, Quý Dương cùng với những người bạn, sau này cũng trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng, như: Trần Hiếu, Hồ Quang Bình… cùng thi vào Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp (1959), ông được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc của trường và bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình.


Trong nền âm nhạc Việt Nam, NSND Quý Dương được coi là người “mở đường”. Nói về ông, người ta nhắc nhiều đến hai tiếng “đầu tiên” như một điệp khúc đáng tự hào: Ông là một trong những học trò đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của trường này (học trò của ông gồm rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Trung Đức, Thùy Mỵ, Bích Việt…); là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở opera kinh điển của nước ngoài lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

PGS Lương Quỳnh Khuê từng kể rằng người Hà Nội những năm 1960-1970 không thể quên những vở opera được trình diễn dưới ánh đèn sân khấu lộng lẫy của Nhà hát Lớn Hà Nội qua sự thể hiện của lớp nghệ sĩ opera đầu tiên: Quý Dương, Trần Chất, Trần Hiếu, Ngọc Dậu… Khi ấy, Quý Dương luôn được chọn vào những vai chính, mang nội tâm phức tạp.


Sau này, những năm 1979 – 1983, khi được đi học thanh nhạc ở Bulgaria để trang bị phương pháp Bel Canto, Quý Dương đã làm được điều đáng ngạc nhiên làdùng phương pháp Bel Canto kết hợp với cách xử lý của nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam để tạo ra một cách hát rất bác học mà vẫn gần gũi với thị hiếu âm nhạc của người Việt.

Không chỉ là một nghệ sĩ opera nổi tiếng, giọng hát trầm ấm, sang trọng của NSND Quý Dương gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước, như Tình ca, Cùng anh tiến quân trên đường dài,... Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, phô diễn kỹ thuật nhưng vẫn đầy cảm xúc. Ghi nhận những cống hiến của ông đối với nghệ thuật, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu NSND cho ông vào đầu năm 1993.

Con trai ông, NSƯT Chí Trung, cho biết, cha anh bị bệnh thận từ 8năm trước; năm ngoái, ông phải đặt stent tim, bị tràn dịch màng phổi; ngoài ra, ông còn bị chứng bệnh tiểu đường hành hạ. Thời gian gần đây, hai ngày một lần, ông phải vào bệnh viện chạy thận. Tuy nhiên, mỗi giờ, mỗi phút cảm thấy sức khỏe của mình ổn định, NSND Quý Dương đều dành thời gian để truyền dạy kỹ thuật cũng như tình yêu âm nhạc cho các học trò của mình.

Người học trò ông yêu quý nhất những năm cuối đời là ca sĩ Ngọc Quy. Cô học trò này cũng không tin nổi thầy ra đi đột ngột như thế vì thầy trò gọi điện cho nhau mỗi ngày. Đến bệnh viện chạy thận theo lịch hẹn và chỉ một cơn khó thở xảy ra, người nghệ sĩ tài hoa này đã đột ngột ra đi lúc 13 giờ 45 phút ngày 28-6.

Hoàng Lan Anh (NLĐ)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã tắt một giọng ca vàng