Sư thầy Thích Diệu Mơ đã cố gắng vận động dân quanh vùng đưa các con còn sót lại về nuôi ở chùa Nhẫm Dương
Cách đây trên 30 năm, khi thực hiện đề tài Điều tra đàn khỉ tại Áng Bát và Áng Rong, ở xã Minh Tân (Kinh Môn) vẫn còn thấy có từ 3 - 4 đàn khỉ tồn tại. Mỗi đàn có từ 20 - 30 cá thể. Hễ thấy người, tưởng là thợ săn nên chúng luôn lẩn tránh lên trên đỉnh núi đá cao hoặc chui vào các hang đá ở vách núi. Dù dùng ống nhòm để quan sát và camera để thu hình, rồi kết hợp với điều tra trong dân quanh vùng, nhưng mọi người vẫn cứ tưởng chúng chỉ toàn là loài khỉ vàng cả.
Cho đến hôm nay, nhờ biết khỉ là động vật quý của địa phương, sư thầy Thích Diệu Mơ đã cố gắng vận động dân quanh vùng đưa các con còn sót lại về nuôi ở chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân (Kinh Môn). Lúc đầu có 5 con, sau lên 7 con và bây giờ được 12con. Trừ 1 con được thả rông ở quanh chùa, còn lại đều được nuôi nhốt trong các chuồng lưới sắt. Quan sát trực tiếp ở gần mới nhận ra trong 12 con đó gồm tới 3 loài khác nhau.
Có 2 con khỉ cộc (Macaca arctoides), còn gọi là khỉ mặt đỏ với đặc điểm là loài tương đối lớn, thân dài 48-70 cm, nặng từ 12 - 18 kg. Lông khỉ cộc màu vàng pha xám nhạt, phần bụng nhạt hơn phần lưng, mặt có màu đỏ, đuôi to, ngắn. Điểm nổi bật là chai mông to không có lông. Chúng sống thành bầy đàn, chủ yếu hoạt động trên mặt đất, tính dữ tợn, khả năng leo trèo và bơi lội giỏi.
Khỉ vàng (Macaca mulatta) có 4 con. Chữ “vàng” có nghĩa là quý như vàng, vì chúng là nguồn nguyên liệu để sản xuất vaccine bại liệt, góp phần vào việc thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam. Khỉ vàng có thân màu nâu, con trưởng thành mặt có màu đỏ, đuôi có độ dài bằng 3/4 chiều dài thân. Chúng thích sống trong các vùng núi đá vôi.
Có 6 con khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), còn có tên là khỉ xám, có kích thước lớn hơn khỉ vàng, đuôi ngắn dưới 1 gang tay, nặng tới 14 kg. Má chúng có túi, chai mông lớn, đuôi thường mập, phần gốc dựng cong lên phía trên giống đuôi lợn. Chúng thường hoạt động ban ngày, kiếm ăn trên cây và dưới mặt đất, tối vào trong các hang đá để ngủ. Thức ăn chủ yếu là các trái cây, hạt và chồi non. Chúng đặc biệt thích các loại quả có vị chua chát như đa, si, bứa, dọc, tai chua và một số loài động vật nhỏ. Khỉ đuôi lợn và khỉ cộc được xếp vào "Sách Đỏ thế giới" và "Sách Đỏ Việt Nam" (phân hạng nguy cấp).
Như vậy, xưa kia ở "khu đảo" huyện Kinh Môn không phải chỉ có 1 loài mà có tới 3 hoặc nhiều hơn loài khỉ khác nhau. Qua xác suất thu thập ở chùa Nhẫm Dương ta thấy loài khỉ đuôi lợn nhiều hơn cả (6 con, khoảng 60%), khỉ vàng 4 con (khoảng 30%) và khỉ cộc 2 con (khoảng 10%). Theo tiến sĩ thú loại học Vũ Văn Đặng (nguyên là chuyên gia ở Viện Sinh thái môi trường Việt Nam) thì trong đó có 1 cá thể đặc biệt, đuôi ngắn hơn khỉ vàng nhưng dài hơn khỉ đuôi lợn.
Theo ông, chúng có thể là con lai của khỉ đuôi lợn với khỉ vàng vì gần đây do săn bắn, chủ yếu do môi trường sống bị thu hẹp nên số lượng cá thể giảm sút nghiêm trọng, mới dẫn đến hiện tượng tạp giao nói trên. Theo lý thuyết, tạp giao giữa các loài kế cận nhau hoàn toàn có thể xảy ra nhưng con lai sẽ không thể sinh sản được. Như vậy, qua dẫn liệu trên ta thấy quần thể khỉ vàng ở "khu đảo" huyện Kinh Môn xưa khá đa dạng, ít nhất có tới 3 loài khác nhau, trong đó có 2 loài có tên trong "Sách Đỏ Việt Nam".
Hiện tại, chùa đã thi công 1 chuồng linh trưởng để nuôi bầy khỉ trên. Nhưng nếu đề tài tôn tạo hệ sinh thái núi đá vôi ở khu bảo tồn quanh chùa Nhẫm Dương được thực hiện thì các nhà khoa học sẽ cố gắng đưa đàn khỉ ấy bảo vệ trong khu bán thiên nhiên hoặc trả chúng về tự nhiên trong khu bảo tồn. Nếu được như thế thì Hải Dương phía bắc có "khỉ ho" (ở chùa Nhẫm Dương), phía nam có "cò gáy" (ở xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện), nhất định sẽ là các vùng du lịch sinh thái bổ sung cho nhau tuyệt vời.
NGUYỄN VĂN KHANG