Một thông tin khiến không ít người bất ngờ là trong kỳ thi tuyển giáo viên năm 2020, nhiều trường học trong tỉnh có số thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu được tuyển.
Trong khi suốt mấy năm trước đó, Hải Dương là một trong những địa phương thừa giáo viên mà thực chất là thiếu biên chế nên nhiều giáo viên chỉ được ký hợp đồng năm một.
Nhưng nếu quan sát những biến động trong đội ngũ giáo viên của tỉnh thì thấy đây là hệ quả tất yếu của nhiều nguyên nhân. Và trong tương lai, đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục có nguy cơ bị thiếu không chỉ ở Hải Dương mà ở nhiều địa phương khác nếu những chính sách động viên, khuyến khích dành cho đội ngũ này không được thực hiện hiệu quả và thống nhất.
Trước đây, nghề giáo viên hấp dẫn do tính ổn định, quan niệm chung của xã hội là người làm nghề này có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Vì thế nên hầu hết giáo viên mầm non, tiểu học đều là nữ. Nhưng hiện nay, yêu cầu đối với người giáo viên ngày càng cao khiến họ mất nhiều thời gian, công sức dành cho công việc.
Sở dĩ việc thiếu thí sinh đăng ký thi tuyển giáo viên tập trung ở bậc mầm non, tiểu học do giáo viên ở hai cấp học này có thu nhập thấp, không được dạy thêm mà thời gian làm việc ở trường lại nhiều hơn, trong khi họ có thể kiếm được những công việc khác nhàn hơn, có thu nhập tốt hơn. Và những năm tháng mòn mỏi chờ biên chế đã khiến không ít giáo viên hợp đồng nản lòng.
Với những thay đổi đó của hoàn cảnh xã hội, các thí sinh thi đại học không còn mặn mà với ngành sư phạm như trước kia. Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm. Năm 2019, số chỉ tiêu có tăng nhưng vẫn chỉ bằng gần 70% nhu cầu giáo viên của cả nước.
Cùng với ngành y, ngành sư phạm tiếp tục duy trì việc đặt điểm sàn và có những tiêu chí xét tuyển khắt khe hơn nhiều ngành khác nên số lượng thí sinh trúng tuyển hằng năm thấp hơn chỉ tiêu đào tạo. Vì vậy, số lượng giáo viên trong tương lai nhiều khả năng sẽ ít hơn nhu cầu chung.
Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lượng giáo viên thiếu đó sẽ được bù đắp bằng cách thu hút những người trước đây học sư phạm nhưng không làm giáo viên và những người từng làm giáo viên đã chuyển nghề. Nhưng thực tế ở Hải Dương cho thấy khi giáo viên đã chuyển nghề thì ít người muốn quay lại công việc cũ do nghề giáo đòi hỏi nhiều kỹ năng phải rèn luyện thường xuyên.
Khi ngành giáo dục thiếu giáo viên, những nơi đầu tiên bị ảnh hưởng sẽ là các vùng sâu, vùng xa, nông thôn và cấp mầm non, tiểu học. Những năm học đầu tiên của trẻ không được chăm lo tốt sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục nói chung về lâu dài.
Hiện nay ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai những chính sách ưu đãi trong việc đào tạo giáo viên như hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Song để thu hút được đông đảo thí sinh quan tâm tới ngành này cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với đội ngũ giáo viên để họ yên tâm công tác, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học.
Những tiêu cực trong các kỳ thi tuyển, xét tuyển, hoạt động luân chuyển giáo viên cần được loại trừ hoàn toàn để các thí sinh, phụ huynh không e ngại về “đầu ra” của ngành sư phạm. Các chính sách này cần được thực thi càng sớm càng tốt trước khi tình trạng thiếu giáo viên trở nên phổ biến và trầm trọng hơn.
THÁI HÒA