Ông cha ta có câu “Cứu người như cứu hỏa”. Vì thế, việc triển khai chỉ cần chậm trễ một chút là nhiều gia đình sẽ lún sâu vào khó khăn, tính nhân văn của gói hỗ trợ sẽ giảm.
Đại dịch Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp và người lao động vào ngõ cụt. Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ như chiếc phao cứu sinh được đưa ra khi nhiều lao động và chủ doanh nghiệp sắp không chịu được sự tàn phá của đại dịch.
Mới đây, trong buổi họp báo giải thích các nội dung của Nghị quyết 68, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng Nghị quyết 68 được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời với những tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ. Đối với người sử dụng lao động, Nghị quyết 68 hỗ trợ cụ thể bằng cách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh… Về phía người lao động, đối tượng, điều kiện được hưởng có nhiều nét mới như hỗ trợ người lao động ngừng việc, hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ tiền ăn cho người phải điều trị nhiễm Covid-19 và người phải thực hiện cách ly y tế thuộc diện F1; lao động không ký kết hợp đồng lao động, lao động tự do...
Như vậy, đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết 68 rộng hơn, độ bao phủ lớn hơn. Đặc biệt, thời gian nhận hỗ trợ nhanh hơn, bớt được rất nhiều thủ tục rườm rà so với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Ông cha ta có câu “Cứu người như cứu hỏa”. Vì thế, việc triển khai chỉ cần chậm trễ một chút là nhiều gia đình sẽ lún sâu vào khó khăn, tính nhân văn của gói hỗ trợ sẽ giảm. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng gói hỗ trợ lần này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian xét thủ tục và giải ngân để người lao động, chủ sử dụng lao động được nhận tiền trong thời gian sớm nhất có thể. “Bình thường, để ban hành nghị quyết như thế này phải mất cả tháng nhưng chỉ trong mấy ngày vừa qua, các đơn vị liên quan đã làm ngày làm đêm để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành trong thời gian ngắn nhất với tinh thần hỗ trợ người dân càng nhanh ngày nào càng tốt ngày đó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Việc triển khai gói hỗ trợ này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Đảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch, không gục ngã trong khi chờ "giông tố" đi qua. Vì thế, chúng ta đừng nhìn gói hỗ trợ này thuần túy ở khía cạnh kinh tế. Cũng đừng ai so sánh gói hỗ trợ này với các gói hỗ trợ khổng lồ mà một số quốc gia trên thế giới đã triển khai. Nước ta còn nghèo, đại dịch đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Công tác phòng chống dịch đã tiêu tốn một khoản ngân sách quốc gia khổng lồ. Thế nhưng, trong khả năng của mình, Đảng và Chính phủ chưa bao giờ lơ là công tác an sinh xã hội. Cùng với khoản tiền khổng lồ để mua vaccine, Chính phủ đã cố gắng, nỗ lực bố trí ngân sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu tác động trực tiếp của dịch với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không để bất kỳ người dân nào không có cơm ăn, áo mặc.
Nghị quyết 68 và quyết tâm của các bộ, ngành Trung ương để gói hỗ trợ sớm đến được tay người lao động thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị đối với những khó khăn mà những người yếu thế trong xã hội phải gánh chịu do tác động của đại dịch.
VỊ THỦY