Nhiều CCB năng động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương...
Công ty Khuôn mẫu Nhật Minh của cựu chiến binh Nguyễn Quang Xá (phải)
thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm
Những năm qua, phong trào cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế ở xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả cao. Nhiều CCB năng động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong đó, một số hội viên mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mới, kỹ thuật cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đến thăm Công ty Khuôn mẫu Nhật Minh của thương binh Nguyễn Quang Xá, 61 tuổi, ở thôn Hồ Liễn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô sản xuất, hệ thống máy móc được ông đầu tư. Năm 2008, với số vốn tích lũy và vay mượn thêm, ông đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, mở công ty chuyên sản xuất khuôn mẫu. Do chất lượng sản phẩm cao nên công ty ngày càng được thị trường tín nhiệm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố ở miền Bắc đến đặt hàng như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh... Trong đó, một số công ty lớn như: Công ty CP Bia rượu, nước giải khát Hà Nội, Công ty Honda Việt Nam. Mỗi năm, Công ty Nhật Minh sản xuất 70 - 80 loại khuôn mẫu, doanh thu đạt khoảng 16 tỷ đồng, thu lãi gần 1 tỷ đồng. Năm 2010, công ty mở thêm dịch vụ sửa chữa khuôn mẫu, nhận gia công một số sản phẩm nhựa như: ghế, vỏ mũ bảo hiểm xe máy, đồ gia dụng... Công ty thường xuyên giải quyết việc làm cho 70 - 100 lao động, thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ở thôn Sãi, mọi người đều biết CCB Phạm Văn Hích, một người không quản ngại khó khăn, gian khổ. Năm 1974, sau khi bị thương trở về quê, ông Hích đã trải qua nhiều nghề để phát triển kinh tế gia đình như: cơ khí, lái công nông, hàn xì, cho thuê phông bạt, bàn ghế, bát đĩa... Ông Hích cho biết: “Để thu được hiệu quả trong làm ăn, cần luôn sáng tạo, tìm tòi, học hỏi, biết đưa cái mới vào sản xuất. Đặc biệt, sau mỗi ngày lao động, tôi tự rút kinh nghiệm, đánh giá để lần sau thực hiện tốt hơn”. Trước đây, dịch vụ cho thuê phông bạt, bàn ghế, bát đĩa của gia đình ông phục vụ hầu như các nơi trong huyện, có khi sang cả huyện bạn. Hiện nay, gia đình ông có một nhà hàng ăn uống tại thị trấn Sặt, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động, thu nhập 2 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ông duy trì nuôi 20 - 30 con lợn thịt, 1,5 mẫu ao thả cá. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng.
Với bản chất cần cù, chịu khó, một số CCB khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương làm giàu bằng mô hình VAC. CCB Trần Hữu Ái, 54 tuổi, ở thôn Mòi luôn tìm cách vượt lên khó khăn. Năm 2006, ông Ái dốc hết vốn liếng tích cóp được và vay thêm người thân đầu tư hơn 100 triệu đồng mua một khu ao, vườn rộng hơn 4.500m2 nuôi lợn, thả cá. Diện tích mặt nước rộng gần 1,5 mẫu, ông chuyên thả cá truyền thống. Để cá phát triển tốt, không bị dịch bệnh, trước khi thả, ông xử lý đáy ao cẩn thận, rắc vôi bột, phơi ao 2 - 3 tháng và thả cá giống to. Nhằm giảm chi phí, ông hạn chế dùng thức ăn công nghiệp, tận dụng thức ăn tự nhiên. Mỗi vụ, ông thu 3 - 4 tấn cá thịt. Trong chuồng, mỗi lứa, ông nuôi 20 - 30 con lợn thịt. Một năm cho thu hoạch 3 - 4 lứa. Từ cá và lợn, ông thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Tuy cho biết: Hội CCB xã hiện có 290 hội viên ở 4 chi hội. Những năm qua, ban chấp hành hội luôn bám sát các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn hội viên. Tạo điều kiện để hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương. Hiện nay, hội có 115 hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, 5 hội viên kinh doanh dịch vụ, tiểu, thủ công nghiệp, 1 hộ thành lập doanh nghiệp, 12 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại, 98 trong tổng số 209 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, 15 hội viên thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, 40 hội viên thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm, 32% số gia đình hội viên thuộc diện giàu, 67% thuộc loại khá, hộ nghèo giảm còn 1%. 2 trong 4 chi hội không còn hộ nghèo.
DANH TRUNG