Cựu chiến binh huyện Nam Sách làm kinh tế giỏi

11/12/2010 05:25

Trong các cuộc chiến tranh, họ là những chiến sĩ anh dũng trên mặt trận chống giặc ngoại xâm. Thời bình, họ phát huy bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Nam Sách.


Với nghề làm hương, anh Vinh tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, họ là những chiến sĩ anh dũng trên mặt trận chống giặc ngoại xâm, không ít người đã để lại một phần xương máu của mình ngoài chiến trường. Ở thời bình, phát huy bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ", họ tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Nam Sách.

Nhắc tới cựu chiến binh (CCB) Trần Kim Vinh ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, nhiều người khâm phục bởi ý chí vươn lên trong cuộc sống của anh. Từng tham gia quân tình nguyện ở chiến trường nước Lào, sau khi trở về quê hương, cuộc sống gặp không ít khó khăn. “Gia đình tôi khó khăn nên khi tôi lấy vợ chỉ có hai bàn tay trắng, phải chạy ăn từng bữa”, anh Vinh nhớ lại. Không chịu đầu hàng trước cái đói, cái nghèo, anh cùng vợ bàn tính chuyện phát triển kinh tế. Năm 1987, qua một lần đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thăm người thân, anh nhận thấy nơi đây có tiềm năng về nguyên liệu làm hương nên đã mua về giao bán cho một số cơ sở làm hương để kiếm lời. "Tài sản hồi đó có giá trị nhất của tôi là chiếc xe đạp thồ, hằng ngày tôi phải đạp xe hơn 70 km đến Bắc Giang lấy nguyên liệu rồi lại chở về giao bán", anh Vinh cho biết. Với bản tính chịu khó nên công việc ban đầu có nhiều thuận lợi. Năm 1997, có chút vốn và kinh nghiệm trong làm hương, anh bàn với vợ mở cơ sở sản xuất hương. Trong thời gian đi giao bán nguyên liệu anh đã quen được một số mối hàng nên sản phẩm nhà anh sau khi làm ra được tiêu thụ thuận lợi. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/người/tháng.

Đến gia đình anh Phạm Khái ở thôn Quan Đình, xã Đồng Lạc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà hai tầng to đẹp, là thành quả nhiều năm lao động mà anh đã có được. Với mô hình thả cá, hằng năm, anh thu lãi hơn 40 triệu đồng. Từng tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, cũng như nhiều đồng đội, anh Khái gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Năm 1993, nhận thấy khu vực gần nhà có diện tích đất trũng bỏ hoang, anh mạnh dạn xin đấu thầu, đào ao thả cá. Nhờ ham học hỏi kinh nghiệm của những người xung quanh cùng vốn kiến thức có sẵn nên ao cá hằng năm cho thu nhập đáng kể. Đến nay, anh có hơn 1 mẫu diện tích mặt nước thả cá truyền thống và một ao nhỏ thả cá giống. “Bên cạnh việc thả cá để bán như trước, những năm gần đây tôi tập trung vào việc thả cá để phục vụ nhu cầu câu cá giải trí của nhiều người dân”, anh Khái tâm sự. Anh Khái cũng cho biết, hiện nay, ngày nào cũng có 3 - 5 người từ trong và ngoài huyện đến nhà anh câu cá để giải trí. Những ngày nghỉ có hơn 10 người đến câu. “Sản phẩm” là những con cá câu được, nếu khách câu có nhu cầu mua, anh bán như giá thị trường. Thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư tiền mở rộng diện tích ao, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng cá thịt, phục vụ nhu cầu câu cá giải trí của người trong và ngoài huyện. Bên cạnh việc phát triển kinh tế anh từng tham gia công tác ở thôn như Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Trưởng thôn và hiện nay là thành viên của Ban Thanh tra nhân dân xã Đồng Lạc… Ở cương vị nào, anh cũng hoàn thành nhiệm vụ, được nhân dân tin tưởng.

Đến thị trấn Nam Sách, hỏi về CCB Hoàng Xuân Điều, ai cũng biết. Sau khi rời quân ngũ, anh về công tác tại Tỉnh đội, với quân hàm thiếu tá. Năm 1990 phục viên trở về quê, anh nhận thấy nhu cầu vận tải của nhân dân ngày càng cao, mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, anh bàn với vợ vay tiền mua một chiếc ô-tô để kinh doanh vận tải. Nhờ làm ăn thuận lợi, có vốn, anh tiếp tục mua thêm ô-tô, thuê người lái. Năm 2005, anh quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Xuân, chuyên kinh doanh vận tải, du lịch, vận chuyển hàng hóa. Đến nay, doanh nghiệp do anh quản lý có 9 đầu xe các loại, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, với mức thu nhập 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia vào công tác nhân đạo, từ thiện như ủng hộ người nghèo, ủng hộ miền Trung và nhiều hoạt động do huyện, thị trấn phát động, mỗi năm gần 20 triệu đồng.

Bên cạnh những tấm gương CCB tiêu biểu trên, còn phải kể đến nhiều CCB giỏi làm kinh tế khác như CCB Dương Đình Lung ở xã Thanh Quang; CCB Nguyễn Thị Hoan, Nguyễn Văn Sa cùng ở xã Thái Tân; Phạm Văn Hài ở xã Hiệp Cát… Hội CCB huyện Nam Sách hiện có gần 6.300 hội viên, sinh hoạt tại 19 cơ sở hội. Những năm qua hội luôn xác định thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Toàn huyện hiện có gần 100 mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, trong đó có 13 trang trại, với 54 lao động; 72 gia trại, với 162 lao động; 4 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH với 62 lao động… Các cơ sở hội hiện có tổng số quỹ lên tới hơn 1 tỷ đồng, bình quân hơn 160 nghìn đồng/hội viên. Từ số quỹ trên, các cơ sở hội cho hội viên vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp, giúp hội viên phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cơ sở hội vẫn duy trì tốt việc quản lý, phát triển vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay có số dư nợ gần 27 tỷ đồng, cho hơn 2.000 hội viên vay. Qua bình xét hằng năm, 100% số cơ sở hội đạt vững mạnh, trong đó 42,3% đạt vững mạnh xuất sắc; 97,7% số gia đình hội viên đạt “gia đình văn hóa”; 97,6% hội viên đạt “hội viên gương mẫu”. Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%.

MINH MẪN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cựu chiến binh huyện Nam Sách làm kinh tế giỏi