Cứ vào tối 18.8 âm lịch hằng năm, đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương lại về di tích Kiếp Bạc để tham dự lễ đàn cầu an, hội hoa đăng.
Thắp nến chuẩn bị cho hội hoa đăng. Ảnh tư liệu
Du khách về trẩy hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc có dịp tham dự lễ cầu an, hội hoa đăng tỏ ra vô cùng thích thú bởi được thưởng lãm một nghi lễ thiêng liêng với đủ sắc màu trên đê và dưới sông Lục Đầu. Nhưng không ít người lần đầu về tham dự lễ hội đã thắc mắc rằng lễ cầu an, hội hoa đăng ở đền Kiếp Bạc có từ bao giờ? Ý nghĩa của nghi lễ này là gì?
Huyền thoại “Bãi kiếm thần”
Mảnh đất Vạn Kiếp in đậm dấu ấn lịch sử lẫy lừng, gắn với công lao của các bậc quân vương, quân và dân Đại Việt trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trước cửa đền Kiếp Bạc là dòng sông Lục Đầu, dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất hơn 1 km chảy sát mé tây nam đất Vạn Kiếp. Gọi là sông Lục Đầu vì đây là nơi hội nước của 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về. Bốn dòng sông ấy ngoài các tên quen thuộc còn mang "đức" sáng của trời đất là: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), sông Lục Nam (Nhật Đức). Người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ, mang thái bình, yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân.
Với hệ thống sông Lục Đầu, cùng với đường bộ thuận tiện, từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng. Đây là vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm" mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh. Vì thế sông Lục Đầu luôn là vị trí trọng tâm của căn cứ địa Vạn Kiếp.
Trên sông Lục Đầu đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử và những chiến công vang dội của quân dân Đại Việt trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
Ở thế kỷ thứ X, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu. Khu vực Vạn Kiếp - bến Lục Đầu là chiến tuyến Vạn Xuân của vua Lý. Tại đây, quân dân Đại Việt đã tiêu diệt hàng nghìn quân xâm lược nhà Tống, góp phần bảo vệ đất nước dưới triều Lý.Thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt, chúng đánh chiếm sông Lục Đầu làm bàn đạp tấn công kinh thành Thăng Long. Tháng 6.1285, Hưng Đạo Đại Vương tổ chức quân dân Đại Việt đánh trận Vạn Kiếp lịch sử, tiêu diệt trên 20 vạn quân Nguyên Mông ở đoạn sông này. Phó tướng Lý Hằng của giặc bị tiêu diệt tại trận. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để thoát thân. Chiến thắng Vạn Kiếp đã kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên Mông của dân tộc.
Màn pháo bông rực rỡ. Ảnh tư liệu
Tháng 3.1288, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, Hưng Đạo Vương tổ chức cuộc phản công chiến lược đánh đuổi quân giặc từ kinh đô Thăng Long dồn về Vạn Kiếp. Tại bến sông lịch sử này, Hưng Đạo Đại vương chỉ huy quân dân Đại Việt khóa chặt đường rút của quân Nguyên Mông về phía Lạng Sơn, ép chúng phải rút chạy theo đường ra Biển Đông, để tổ chức trận đánh quyết chiến chiến lược tại Bạch Đằng. 3 tháng sau, vào tháng 6.1288, Hưng Đạo Vương tổ chức trận Bạch Đằng tiêu diệt 30 vạn quân Nguyên Mông, đập tan ý đồ xâm lược, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba.
Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông đem lại thái bình cho đất nước, Hưng Đạo Vương về nghỉ tại thái ấp của ông ở Vạn Kiếp.Một hôm, ông cùng gia nhân dựng thuyền nhỏ đi dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu. Khi thuyền quay về gần núi Dược Sơn, Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại, đứng trên mũi thuyền, người rút thanh kiếm của mình ra khỏi bao và nói: “Thanh gươm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến nó đã dính bao máu giặc Thát, nó đã từng được bôi phân gà với vôi tôi và bồ hóng để chém đầu tên giặc Phạm Nhan dơ bẩn. Nay ta muốn nhờ dòng nước sông Lục Đầu để gột rửa sạch những vết nhơ trên nó”. Nói rồi, người ném thanh gươm xuống dòng sông.
Tương truyền, tại khúc sông Lục Đầu, Trần Hưng Đạo thả kiếm sau này đã hình thành một bãi bồi chạy dài rất giống hình thanh kiếm, dân gian gọi đó là Cồn Kiếm. Bãi bồi ngày nay vẫn còn trên dòng sông Lục Đầu trước cửa đền Kiếp Bạc.
Huyền thoại “bãi kiếm thần” của Trần Hưng Đạo muốn nhờ sóng nước Lục Đầu hay siêu thực hơn là lấy cái đức sáng của Thiên, Minh, Nhật, Nguyệt gột rửa chiến tranh để giữ vững thái bình: Triết lý tư duy chiến tranh - hoà bình. Đó là một cổ mẫu từ thời huyền thoại - huyền tích với biểu tượng Lửa - Nước (kim: thanh kiếm; thuỷ: giặc nước) nhằm cầu tạnh, chống lũ lụt hay cầu mưa của cư dân nông nghiệp cổ.
Lung linh sắc màu
Lung linh hoa đăng trên sông Lục Đầu. Ảnh tư liệu
Hằng năm, lễ hội đền Kiếp Bạc đều tổ chức lễ cầu an, hội hoa đăng. Ý nghĩa của nghi lễ này là nhằm tưởng niệm, tri ân, cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc ở các thời kỳ. Đặc biệt cầu siêu cho vong hồn tướng sĩ nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông và vong hồn kẻ bại trận trên sông Lục Đầu. Qua đó, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, nhà nhà ấm no, gia đình hạnh phúc...
Lễ cầu an trên sông Lục Đầu là một nghi lễ linh thiêng, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa và nhân văn sâu sắc và tồn tại mãi với Lễ hội đền Kiếp Bạc hằng trăm năm qua. Bởi vậy, dù nghi lễ diễn ra vào buổi tối nhưng luôn có cả trăm người dân và du khách thập phương tham dự.
Nghi lễ diễn ra trang nghiêm với lung linh sắc màu. Lúc 19 giờ, các nhà sư, pháp sư, đại biểu, nhân dân làm lễ dâng hương, rước lễ từ trong đền Kiếp Bạc ra đàn tháp được dựng sẵn ngoài bờ sông. Đi đầu là đội múa rồng, lễ phẩm, đội nhạc lễ, tiếp đó là đoàn đại biểu, các nhà sư, pháp sư cùng nhân dân, du khách thập phương.
Đàn tháp cao 9 tầng lộng lẫy, tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời - đất, âm – dương được dựng trên đê thẳng với cổng đền Kiếp Bạc. 9 tầng hoa văn cả Phật - Đạo - Nho đan xen tạo nên một bức tranh đa sắc màu lộng lẫy biểu hiện của sự hòa hợp tam giáo. Dưới sông từng đoàn thuyền chở đầy ắp hoa đăng, lung linh bừng sáng cả góc trời Vạn Kiếp. Các nhà sư, pháp sư thực hiện nghi lễ cầu an gồm 3 phần là khóa lễ, chính kinh và hồi hướng.
21 giờ 30, lễ thả hoa đăng bắt đầu. Hàng ngàn bông hoa đăng được người dân truyền tay nhau thả xuôi theo dòng nước sông Lục Đầu. Những cánh hoa rực rỡ chở tình cảm tri ân của thế hệ hôm nay gửi gắm về cõi xa xăm. Tất cả tràn ngập trong không khí thiêng liêng, huyền ảo. Một cảm giác nhẹ nhàng phấn chấn và siêu thoát, đọng lại trong lòng mỗi người sự biết ơn, niềm kiêu hãnh, tự hào.
TIẾN MẠNH