Để cây vải sinh trưởng tốt và sai quả, nông dân cần phải chú ý áp dụng kỹ thuật cuốc vành tán và khoanh cành trong một số tháng cuối năm.
Đối với cây vải khỏe: Cuốc vỡ lật đất dưới gốc cây thành một vành tròn theo tán rộng 50-70 cm, sâu 10-15 cm để chặt đứt một phần lớp rễ tơ đang hoạt động mạnh. Thời điểm cuốc khi lớp lá non của cây vải ra trong tháng 10 bắt đầu chuyển sang dạng lá bánh tẻ. Tiến hành khoanh tiện từ 1-3 vòng tròn/cành (cây xanh đậm tốt lá thì tiện nhiều vòng và ngược lại). Vòng khoanh này cách vòng khoanh kia từ 1-2 cm. Chú ý dùng dao sắc mỏng tiện vừa hết lớp vỏ, không được bóc bỏ vỏ để lộ phần lõi gỗ. Vị trí tiện cành phải đạt đường kính từ 2-4 cm (những cành bé hơn hoặc cằn cỗi thì không tiện). Thời điểm khoanh cành ngay sau khi cuốc xong gốc.
Đối với cây có sức sinh trưởng khỏe nhưng phát lộc chậm: Cần cuốc vành tán rộng và sâu hơn, tiện khoanh cành nhiều vòng hơn. Ngoài ra có thể còn áp dụng thêm các biện pháp kỹ thuật sau:
+ Nếu sau ngày 18-11 dương lịch cây mới chớm nhú lộc đông thì dùng thuốc diệt cỏ (Ron star) phun với nồng độ như trừ cỏ lúa để diệt mầm lộc ngay.
+ Nếu thấy cây ra tiếp mầm lộc nào thì phải ngắt bỏ (bằng kéo hoặc tay bấm). Chú ý khi cắt lộc đông thì nên cắt sớm trước lúc lá lộc xòe ra, chỉ cắt 3/4 phần mầm non phía trên, để chừa lại một phần cuống.
Đối với cây vải trung tuổi sức sinh trưởng hạn chế hoặc cây trẻ nhưng phát triển kém không có khả năng ra lộc đông thì không áp dụng các biện pháp tiện cành hoặc ngắt lộc.
Từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12 cây vải đã nhú đợt lộc cuối cùng trong năm nên không được tưới ẩm.
HIỂU LAM (tổng hợp)