Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bài cuối: Cơ hội trong nền kinh tế số

09/05/2019 05:05

Khi môi trường thay đổi chỉ những doanh nghiệp có nội lực mới trụ vững và phát triển.

>> Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bài 1: Chắp cánh cho hàng Việt

>> Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bài 2: Hàng Việt trước yêu cầu chuyển đổi


Sản phẩm gốm Chu Đậu khẳng định được thương hiệu trên thị trường

Để phát triển và vượt qua những khó khăn phía trước, doanh nghiệp Việt không có con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao năng lực nội tại và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nắm bắt tín hiệu thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đánh giá, qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam, hay nói cách khác là nền sản xuất công nghiệp – thương mại Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa và quốc tế. Mặc dù vậy, một số mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam lại vẫn gặp nhiều thách thức như nông – đặc sản. Mục tiêu đề ra là đưa hàng Việt chinh phục người Việt và vươn xa thị trường xuất khẩu.

Muốn vậy, hệ thống hệ thống phân phối, bán lẻ cần phát tín hiệu thị trường cho các đơn vị sản xuất kinh doanh về thông tin, tiêu chuẩn, xu hướng tiêu dùng… Ông Nishitohge Yasuo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Aeon Việt Nam cho biết, nhà bán lẻ này rất quan tâm đến việc tìm kiếm nhà cung ứng và thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp nội địa để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa. Song song đó, doanh nghiệp này mong muốn ngày càng có nhiều sản phẩm Việt hiện diện trên kệ hàng của Aeon tại Việt Nam cũng như thế giới.

Thời gian qua, Aeon Việt Nam không ngừng nỗ lực cung cấp những thông tin về xu hướng của người tiêu dùng Nhật Bản và một số lưu ý cho các doanh nghiệp Việt để nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời, chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa để đáp ứng điều kiện được đưa vào chuỗi siêu thị Aeon Nhật Bản

Tương tự, đại diện Central Group Việt Nam và Big C cho hay, chương trình thu mua tại địa phương được nhà bán lẻ này triển khai ở khu vực miền Bắc khoảng hơn một năm trước, còn miền Trung và miền Nam được thực hiện ngay sau đó khoảng vài tháng. Nhưng hiện tại đã tạo được cơ hội cho các nhà cung cấp địa phương tiếp cận khu vực phân phối hiện đại; trong đó, nông dân giao hàng trực tiếp đến hệ thống siêu thị Big C tại địa phương, trước tiên đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bản địa. 

Tiếp theo, Big C liên kết với các hộ nông dân để sản xuất sản phẩm cung ứng tại địa phương và những vùng lân cận. Đặc biệt, cùng với sở, ngành địa phương, Big C tham gia hỗ trợ nông dân, đơn vị sản xuất  kỹ thuật sản xuất, đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất và cam kết bao tiêu sản phẩm. 

Trong bối cảnh thị trường thương mại tự do và nền kinh tế Việt Nam nằm trong top mở cửa sâu rộng, Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh phân tích, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần nắm bắt được “khe hở” của thị trường, thị hiếu khách hàng để tung ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp cả về chất lượng lẫn tiêu chuẩn. Ngoài ra, để khắc phục điểm yếu về năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần xây dựng hạ tầng như nguồn nhân lực, công nghệ và tài sản văn hóa công ty, thương hiệu… 

Cơ hội từ chuyển đổi số

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, nhất là lĩnh vực công nghệ đang chuyển đổi với tốc độ “vũ bão”, tạo động lực và cơ hội để cải thiện hiệu suất kinh tế vượt trội. Việc xuất hiện những mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số hóa mang lại những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm tiện ích cho người tiêu dùng. 

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về kinh tế số, bà Kelly Ommundsen, Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF cho rằng, phát triển kinh tế số không dừng lại ở từng doanh nghiệp, ngành nghề hay từng quốc gia mà cần được nhìn nhận trên tổng thể vai trò của cả khu vực và đặt trong tương quan với thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam, cần xem xét trong xu thế chung của ASEAN về phát triển kinh tế số. Từ đó, có những chiến lược phát triển phù hợp. 

Công nghệ số không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn kể trên, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng khởi nghiệp. Cụ thể, hiện có những hệ thống, nền tảng công nghệ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể áp dụng hay khai thác mà không tốn kém chi phí hoặc chi phí rất thấp. Chuyển đổi số là sân chơi và công cụ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện; trong đó, quy mô công ty không phải là vấn đề quan trọng mà trên thực tế, doanh nghiệp phải nhận thức được khuynh hướng chuyển đổi, xây dựng được năng lực ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Mô hình phát triển bền vững cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực kinh doanh, để có thể thâm nhập thị trường hiện hữu, cũng  như mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khảo sát thực tế cho thấy, những mô hình kinh doanh bền vững là công cụ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội, đồng thời đang là một xu thế và là điều mà ngay cả các công ty toàn cầu chứ không phải chỉ có doanh nghiệp Việt Nam luôn tìm kiếm.

Việt Nam hiện có khoảng 90% doanh nghiệp sản xuất tư nhân được thành lập và phát triển bởi những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Doanh nghiệp muốn đứng vững trong nền kinh tế và phát triển bền vững, lâu dài thì cần phải quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, bởi thương hiệu là giá trị vô hình nhưng tỷ trọng lớn trong việc tạo lợi nhuận và giá trị cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, không kể đến quy mô đều phải quan tâm đổi mới sáng tạo và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nếu muốn doanh nghiệp mình phát triển bền vững, nhất là trước làn sóng của cuộc cách mạng 4.0.

Từ kinh nghiệm thực tế ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I cho rằng, doanh nghiệp muốn quản trị công ty theo xu hướng tự động hóa phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp, nếu không sẽ rất rủi ro vì chi phí đầu tư rất cao. Sự đột phá trong sản xuất mang lại hiệu quả lớn nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp khi phải tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoạch định tài chính… 

Với những công nghệ đột phá làm thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp như IoT (internet vạn vật), AR/VR (thực tế ảo/thực tế tăng cường), Blockchain (công nghệ tài chính số), Big Data (dữ liệu lớn…), nhiều doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tồn tại, phát triển và cạnh tranh.

Quản trị tài chính là một trong những vấn đề cốt lõi. Doanh nghiệp phải xác định không chỉ đầu tư công nghệ vào công ty là đủ mà phải tận dụng công nghệ hiệu quả và trở thành lợi thế cạnh tranh mới thành công.

MỸ PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bài cuối: Cơ hội trong nền kinh tế số