Cuộc sống mới trên xóm đảo Tiền Giang

20/02/2017 09:00

Ðiều kiện sinh hoạt, canh tác thuận lợi hơn đã giúp những người dân xóm đảo Tiền Giang yên tâm ở lại xây đắp cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, không còn cảnh bỏ làng đi như trước.



Con đường trục chính ở xóm Tiền Giang nay đã được đổ bê tông rộng rãi, nhân dân đi lại thuận lợi


Xóm Tiền Giang là một bãi soi nằm biệt lập giữa ngã ba sông Cửu An và sông Đĩnh Đào thuộc thôn Cự Lộc, xã Minh Đức. Đây là một trong những nơi khó khăn bậc nhất ở huyện Tứ Kỳ. Cuộc sống của người dân xóm này từ lâu đã phải đối diện với bao trở ngại, vất vả, thiếu thốn. Nhưng đó là câu chuyện của 5 năm về trước, thời điểm lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này…

Đổi thay


Tiền Giang giờ đã đổi thay rất nhiều. Bến đò Dọc - nơi có chiếc thuyền ọp ẹp chèo tay đưa tôi vượt sông Cửu An để sang xóm đảo ngày nào giờ đã được thay bằng chiếc xuồng máy. Bác lái xuồng khoe: “Thấy bà con xóm đảo đi lại vất vả nên mấy năm trước chính quyền địa phương đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua chiếc xuồng này. Trước đây thuyền chỉ chở được tối đa 2- 3 người cùng xe đạp hoặc xe máy. Còn bây giờ có chở 5-6 người cùng với các phương tiện thì chiếc xuồng vẫn chạy băng băng. Chúng tôi chỉ thu phí của người dân nơi khác đến, còn bà con xóm đảo thì phục vụ miễn phí 24/24 giờ trong ngày”.

Vừa đặt chân lên xóm, một phụ nữ ăn mặc giản dị đã tiến sát tôi, cất tiếng: “Ôi! xin chào nhà báo nhé. Mấy năm rồi mới gặp lại anh”. Tôi còn đang ngơ ngác, bà đã tiếp lời: “Chắc nhà báo không nhớ rồi, chứ tôi thì không quên được anh. Tôi là Tho, người mà anh đã phỏng vấn cách đây 5 năm về trước”. Giờ thì tôi đã nhớ ra bà Nguyễn Thị Tho (59 tuổi) - người phụ nữ mà tôi đã gặp trong lần đầu tiên đến với xóm này. Bà Tho khoe cuộc sống các hộ dân bên này giờ cũng đỡ vất vả hơn xưa. Gia đình bà thuộc diện khó khăn mà năm vừa rồi cũng đã thoát nghèo. Bà đã phá bỏ căn nhà cấp 4 dột nát để xây một ngôi nhà mái bằng khang trang, chắc chắn hơn. “Tuy vẫn còn phải vay mượn ngân hàng nhưng tôi sẽ cố gắng trồng trọt, nuôi thêm lợn, gà để có tiền trả nợ và trang trải cuộc sống”, bà Tho cho biết.

Con đường trục chính nhỏ hẹp, lởm chởm gạch đá, gập ghềnh khó đi hôm nào nay đã được đổ bê tông rộng rãi, phẳng lì. Cuối năm 2015, được tỉnh hỗ trợ xi măng, bà con trong xóm bảo nhau đóng góp 800.000 đồng/khẩu và hiến mỗi nhà 5 - 7 m2 đất ở để làm đường. Rồi họ bảo nhau đóng thêm mỗi khẩu 200.000 đồng để trải đá cộn tuyến đường ra đồng dài 400 m. Kể từ đó, việc đi lại của nhân dân đã thuận lợi hơn rất nhiều.

"Điện lực Tứ Kỳ đã cải tạo trạm biến áp bên thôn, nâng cấp đường dây dẫn sang xóm chúng tôi nên dòng điện đã khỏe hơn, không còn cảnh đèn điện tù mù hay cắm nồi cơm cả nửa ngày mới chín."


Xóm Tiền Giang chỉ có diện tích khoảng 40 mẫu, trong đó có 10 mẫu đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Đồng ruộng ở đây manh mún, đất đai cằn cỗi, cao thấp xen kẽ, việc lấy nước phụ thuộc hoàn toàn vào con nước thủy triều nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, bà con xóm đảo cấy 2 vụ lúa nhưng năng suất thấp. Đầu năm 2016, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, nhân dân trong xóm đã nhất trí quy hoạch lại đồng ruộng. Sau dồn đổi, mỗi gia đình trong xóm chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng, giảm 3 - 4 thửa so với trước kia. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cũng được đào đắp khang trang. Từ chỗ độc canh cây lúa, nhân dân đã quy hoạch vùng chuyên canh  rau màu rộng 3 mẫu, trồng dưa hấu, bí đao, cà chua, rau xanh. Các hộ dân còn tích cực cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả như chuối, đu đủ. Hầu như nhà nào cũng chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt.

Nhờ chịu khó trồng trọt, chăn nuôi mà đời sống của người dân xóm Tiền Giang đã khấm khá hơn trước. 34 hộ dân trong xóm giờ chỉ còn 3 gia đình thuộc diện nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2015. Khoảng 60% số hộ đã có nhà mái bằng, còn lại là nhà lợp mái ngói, tôn. Nhiều gia đình có xe máy, không ít hộ đã sắm được ti vi, máy giặt, tủ lạnh, bếp ga. Tình trạng người dân bỏ xóm mua đất ở nơi khác sinh sống gần như không còn. Nhiều thanh niên xin vào làm việc tại các doanh nghiệp trong huyện với mức thu nhập ổn định. “2 năm trước, Điện lực Tứ Kỳ đã cải tạo trạm biến áp bên thôn, nâng cấp đường dây dẫn sang xóm chúng tôi nên dòng điện đã khỏe hơn, không còn cảnh đèn điện tù mù hay cắm nồi cơm cả nửa ngày mới chín. Tết vừa rồi nhà tôi sử dụng cả bếp từ ăn lẩu mà nguồn điện vẫn ổn định”, bà Nguyễn Thị Phẳng (64 tuổi), một người dân trên xóm đảo nói.

Mong mỏi



Cuộc sống của nhiều hộ dân giờ đã khấm khá hơn. Trong ảnh: Gia đình bà Nguyễn Thị Tho đã
 vươn lên thoát nghèo và đang xây dựng ngôi nhà mái bằng kiên cố


Ông Phạm Nhật Bản (70 tuổi), Chi ủy viên Chi bộ thôn Cự Lộc phụ trách xóm Tiền Giang cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây tuy đã có nhiều đổi thay nhưng nhìn chung vẫn còn không ít  khó khăn cần được các cấp tiếp tục quan tâm, giúp đỡ. Hiện nay, khoảng 6 mẫu đất sản xuất nông nghiệp bên xóm vẫn phải tát nước bằng tay, phần còn lại phụ thuộc vào con nước thủy triều. Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND huyện và xã, cử tri trong xóm nhiều lần mong muốn được Nhà nước đầu tư cho một máy bơm điện cỡ lớn để chủ động lấy nước sản xuất. Đối với một số diện tích ruộng khó lấy nước, cấy lúa năng suất thấp, thường xuyên bị chuột cắn phá, bà con kiến nghị được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên những kiến nghị này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Các hộ dân ở xóm đảo vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Đa phần các gia đình đang dùng nước mưa hoặc nước giếng khoan, một số hộ phải sử dụng nước sông để nấu nướng, tắm giặt hằng ngày. Nhưng nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm khiến người dân không khỏi lo lắng. Mặc dù chất lượng điện đã được cải thiện hơn nhiều nhưng so với bên làng thì dòng điện ở xóm đảo vẫn yếu và chập chờn. Một số đoạn đường dây đã cũ cần sớm được ngành điện nâng cấp mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Ở xóm đảo, nhiều nhà chưa có các phương tiện nghe nhìn nên đời sống tinh thần nghèo nàn. Bởi vậy, người dân nơi đây mong một ngày gần nhất chính quyền địa phương sẽ trang bị một cụm loa truyền thanh không dây để họ hằng ngày nắm bắt được thông tin.

Người dân xóm đảo Tiền Giang hiểu rằng, việc xây dựng một cây cầu trị giá tiền tỷ chỉ để cho mấy chục hộ dân đi lại là điều không thể. Thế nên họ chỉ mong muốn một ngày không xa sẽ được Nhà nước đầu tư cho một chiếc xuồng hoặc một chiếc phà to hơn. Bởi chiếc xuồng máy hiện tại tuy có tốt hơn trước kia nhưng cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân xóm đảo. Hiện nay nhiều gia đình trong xóm vẫn có ruộng ở bên làng. Vào mùa thu hoạch lúa vì xuồng nhỏ nên việc vận chuyển thóc gặp nhiều khó khăn, buộc phải đi lại nhiều chuyến. Những hôm mưa bão, nước sông dâng cao hoặc những khi bèo tây kéo về dày đặc trên mặt sông, các em học sinh không dám lên thuyền vì sợ đuối nước, phải nghỉ học. Khổ nhất là khi trong xóm có đám hiếu, đám hỷ, mọi người đi lại phải xếp hàng đợi chờ mất rất nhiều thời gian. Người quá cố bên xóm đảo vẫn phải đưa về nghĩa trang bên làng chôn cất. Những lúc như vậy không dám cho đông người lên thuyền vì sợ bị chìm. Có đám cưới, đoàn nhà trai chỉ cử vài người đại diện gia đình và chú rể sang đón dâu…

Chia tay nơi này, tôi hy vọng lần sau về đây sẽ lại được thấy thêm nhiều nét đổi thay của xóm đảo.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống mới trên xóm đảo Tiền Giang