Hơn 20 năm không còn vi rút phong tồn tại, suy nghĩ của xã hội về bệnh phong và số phận của bệnh nhân cũng đã thay đổi, cuộc sống của họ cũng đã khác trước rất nhiều.
Hạnh phúc giản dị của vợ chồng ông Phạm Văn Đệ và bà Hoàng Thị Dậu
Bệnh viện Phong Chí Linh (thuộc địa bàn xã Hoàng Tiến) nằm nép mình giữa những tán vải xanh mướt. Hơn 20 năm không còn vi rút phong tồn tại, suy nghĩ của xã hội về bệnh phong và số phận của bệnh nhân cũng đã thay đổi, cuộc sống của họ cũng đã khác trước rất nhiều.
Dạo một vòng quanh bệnh viện, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch hội đồng bệnh nhân giới thiệu với chúng tôi khu nhà tập thể, khu nhà riêng của bệnh nhân, khu vui chơi, thư viện. Ở đây có cả chùa, nhà thờ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của bệnh nhân và người ta không còn gọi khu điều trị này là trại phong, hay bệnh viện phong mà đó là “làng nhân ái”. Mà đã là làng thì phải có đủ các hội, đoàn thể như ngoài cộng đồng. Thế là Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ được thành lập, trở thành nơi sinh hoạt, tạo thêm sự gắn kết giữa các bệnh nhân. Ông Quang cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi giờ đã khá hơn trước rất nhiều, nhiều gia đình cũng tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, con cháu được đi học, bệnh nhân luôn nhận được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ trong bệnh viện, các bệnh nhân cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống”.
Làng nhân ái có diện tích hơn 17 ha vùng đồi, với gần 4.000 gốc vải. Cả làng có 140 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi, khuyết tật sau phong. Nhiều người do tuổi cao không còn nhớ nổi quê mình ở đâu, nhưng cũng có những người thỉnh thoảng vẫn được gia đình tới đón về thăm quê. Làng nhân ái không chỉ là nơi dừng chân của những mảnh đời bất hạnh, mà làng còn là “ông tơ, bà nguyệt” se duyên cho những con người biết đồng cảm, chia sẻ đã nên vợ thành chồng. Cả bệnh viện có 27 cặp vợ chồng, được bệnh viện phân đất, họ xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Có những cặp cả hai vợ chồng đều là bệnh nhân, có cặp chồng là bệnh nhân, vợ lại chính là y tá của bệnh viện. Cũng có nhiều bệnh nhân thấy thương cho hoàn cảnh, số phận của nhau nên xin bệnh viện cho về ở cùng phòng để tiện chăm sóc chứ không đăng ký kết hôn... Trước bị xã hội kỳ thị nên việc cho con em bệnh nhân phong tới học tại các trường học bình thường là điều rất khó khăn, thậm chí nhiều em tới trường còn bị các bạn học xua đuổi... Còn bây giờ, các em được cắp sách tới trường trong sự yêu thương và đồng cảm của thầy cô và bạn bè, có nhiều em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Nhiều em được học nghề và lập nghiệp ở nhiều vùng quê khác.
Ông Phạm Văn Đệ và bà Hoàng Thị Dậu (cả hai ông bà đã 79 tuổi) vào viện từ năm 1972, ông bà có với nhau được một cô con gái, được bệnh viện cấp 150 m2 đất xây nhà. Cô con gái lớn đã lấy chồng ở Thanh Hà nhưng cũng thường xuyên lên thăm bố mẹ. Có vườn, ông bà cũng tranh thủ chăn nuôi gà để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống... Qua hình ảnh bà ngồi sàng gạo, ông phụ bà nhặt từng hạt thóc, kể chuyện ngày xưa rồi cùng cười nói rôm rả, chúng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc với bệnh nhân phong nơi đây thật bình dị. Để tạo điều kiện cho bệnh nhân và gia đình có thể tăng gia sản xuất, bệnh viện đã phân hơn 4.000 gốc vải cho các hộ gia đình chăm sóc. Tới mùa thu hoạch, các gia đình nhận sẽ nộp lại cho bệnh viện 15 nghìn đồng/gốc để làm quỹ phúc lợi cho làng nhân ái. Nhiều bệnh nhân cũng làm nhiều nghề khác như thợ xây, đan lát, thợ may... để có thêm thu nhập cho gia đình.
Chúng tôi được dẫn tới thăm xưởng giày dép phục hồi chức năng của bệnh viện, những đôi dép, những chiếc bát, thìa rất đặc biệt để giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Xưởng giày dép do 2 xơ làm việc tình nguyện tại bệnh viện đảm nhận. Những chiếc bát nhựa có quai ở phía dưới để bệnh nhân bị khuyết bàn tay có thể xỏ vào bưng bát khi ăn cơm, những đôi dép đặc biệt cho những bệnh nhân không còn bàn chân, những chiếc nồi có quai chống nóng... Từ ngày có xưởng giày dép, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm nhiễm phải tháo khớp đã giảm hẳn. Tất cả nguyên liệu dùng làm giày dép và các vật dụng sinh hoạt ở bệnh viện đều do Quỹ chống Phong của Hà Lan tài trợ. Một trong những mục tiêu của bệnh viện là cố gắng để cho bệnh nhân được hòa nhập cộng đồng và giúp xã hội có cái nhìn khác về bệnh nhân phong. Nên hằng năm, Ban Giám đốc bệnh viện thường xuyên tổ chức cho bệnh nhân được giao lưu với bệnh nhân ở các bệnh viện phong khác ở miền Bắc; đón các tổ chức xã hội, tôn giáo tới thăm bệnh nhân...
Làng nhân ái được như ngày hôm nay là có sự góp sức không nhỏ của tập thể y, bác sĩ tại bệnh viện. Hơn 70% trong số bệnh nhân tại bệnh viện bị khuyết tật, có nhiều người tuổi cao sức yếu, không đi lại được, các y, bác sĩ lại đảm nhận việc giúp đỡ trong sinh hoạt. Ông Nguyễn Quang Cương, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Mặc dù bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị nhưng công tác chăm sóc bệnh nhân sau phong vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cử cán bộ đi tập huấn chuyên sâu về phục hồi chức năng sau phong, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những tàn phế sau phong cho bệnh nhân...”.
THANH HOA