Cuộc sống của người dân sau khi nhận tiền đền bù

10/06/2012 08:54

Bảo đảm đời sống của người dân có đất bị thu hồi là vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương...



Vụ thu hoạch lúa cuối cùng của bác Phạm Quang Dâu ở đội 5, thôn An Quý, xã Nguyên Giáp


Chúng tôi trở lại xã Nguyên Giáp vào những ngày đầu tháng 6 oi bức, không khí lao động sản xuất trên các cánh đồng vẫn rất khẩn trương. Lúa mùa đã bắt đầu chín rộ. Xe ô-tô của các thương lái tấp nập tới thu mua dưa của bà con trồng ngoài bãi. Tại khu đất dành cho dự án dệt Pacific Việt Nam và dự án Tinh Lợi 2 vẫn vàng một màu lúa sắp gặt.

Hết tháng 5 - 2012, đã có 392 hộ dân trong xã nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho dự án với tổng số tiền 60,2 tỷ đồng, tương ứng 29,7ha, đạt 41,1% diện tích. Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Tuân ở thôn Quý Cao khi ông cùng mọi người đang xây nhà mới cho cậu con trai út trên mảnh vườn vừa san lấp. Ông Tuân cho biết: “Vừa qua, dự án đã lấy nốt 6 sào ruộng còn lại của gia đình. Được bồi thường, hỗ trợ vài trăm triệu đồng, tôi chia phần cho con cháu, số còn lại tôi hút cát lấp hết mấy sào ao của gia đình và cho thằng út vay để xây nhà. Nay tôi đã gần 60 tuổi, vụ sau không còn ruộng, tôi chưa biết tính thế nào để sống. Tôi chỉ mong dự án sớm đi vào hoạt động và tôi sẽ được bố trí một công việc phù hợp với sức khỏe để tôi có thể lo cho bản thân mình, tránh làm phiền đến con cháu”. Với mảnh vườn rộng gần 2.000 m2, vợ chồng ông Tuân dự định sẽ xây mấy dãy nhà trọ cho công nhân thuê. Mong muốn của ông là việc giải phóng mặt bằng sẽ diễn ra thuận lợi để cuộc sống gia đình sớm ổn định.

An Quý là thôn có nhiều gia đình bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án trong cụm công nghiệp xã Nguyên Giáp nhất, trong đó có những hộ bị thu hồi từ 80 - 100% diện tích. Bác Phạm Quang Cẩu ở đội 5, thôn An Quý là một trong số ít người có đất bị thu hồi đã nhận tiền đền bù. Các con đều lấy chồng và sinh sống ở địa phương khác, nên việc canh tác gần 1 mẫu ruộng của gia đình bác Cẩu gặp khó khăn. Vì vậy, khi dự án triển khai, các con cháu động viên, thuyết phục hai bác nhận tiền và giao đất cho địa phương. Số tiền trên 700 triệu đồng bồi thường hai bác đã đưa hết cho các con. Hiện tại, người con dâu của bác đang làm công nhân may mặc cho một doanh nghiệp ngay trong xã. Mấy người con đang làm ăn ở Tây Nguyên. Bác Cẩu tâm sự: Hai vợ chồng tôi đều có tuổi, sức yếu nên đành ở nhà trông cháu cho các con. Với vài trăm mét vuông vườn, vợ chồng tôi chịu khó trồng rau, nuôi gà cũng đủ tiền tiêu vặt hằng ngày, còn những chuyện khác đành phải nhờ các con. Tuổi của chúng tôi không thể vào làm trong công ty được nữa, chỉ mong dự án nhanh chóng được triển khai để chúng tôi có thể mở thêm quầy hàng nhỏ phục vụ nhu cầu của công nhân.

Gia đình bác Phạm Quang Dâu ở đội 5, thôn An Quý cũng bị thu hồi 90% diện tích canh tác. Khi dự án được triển khai, trong khi mọi người còn đang lưỡng lự thì hai vợ chồng bác đã đồng ý nhận tiền đền bù với quan điểm: là công dân phải chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bác Dâu cho biết: “Vợ chồng tôi có 2 người con, các cháu đều đã xây dựng gia đình và có công việc ổn định. Số tiền đền bù tôi gửi hết vào ngân hàng để lấy lãi chi tiêu hằng ngày. Chúng tôi đã có tuổi, không thể làm ở công ty được nữa. Diện tích ruộng còn lại tôi cũng cho con gái canh tác. Số tiền lãi ngân hàng có lẽ cũng đủ cho vợ chồng tôi trang trải cuộc sống”.

Đồng chí Đồng Hữu Riết, Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp cho rằng, bảo đảm đời sống của người dân có đất bị thu hồi, nhất là những hộ bị thu hồi từ 80 - 90% diện tích là vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Đã có nhiều bài học về các trường hợp không biết làm gì với số tiền đền bù lớn nên sinh ra cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập... Vì vậy, địa phương luôn quan tâm nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý kịp thời. Theo đề án giải quyết việc làm đã được phê duyệt, những người trong độ tuổi lao động (từ 18 - 37) nếu có nhu cầu đều được bố trí làm việc trong các nhà máy. Hiện tại, Công ty May Tinh Lợi cũng đã tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương để phục vụ dự án khi đi vào hoạt động. Đối với những hộ bị thu hồi từ 70 - 100% diện tích, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện phối hợp với UBND xã Nguyên Giáp đã rà soát lại toàn bộ diện tích đất công điền và giao cho các hộ có nhu cầu, bảo đảm không có hộ nào cần đất sản xuất nông nghiệp mà không có. Bên cạnh đó, xã cũng tiến hành điều tra, khảo sát và đề xuất xây dựng phương án lập khu dân cư, khu nhà ở công nhân và khu dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp nhằm tạo việc làm cho người dân.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống của người dân sau khi nhận tiền đền bù