Cuộc chiến khí đốt giữa phương Tây và Nga

24/04/2021 21:14

Thị trường khí đốt thế giới đã bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt từ đầu năm nay.


Công trình lắp đặt đường ống trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26.3.2019. Ảnh: TTXVN

Nổi bật lên trong cuộc cạnh tranh này là dự án Dòng chảy phương Bắc II (Nord Stream II) đưa khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, khiến Mỹ trừng phạt các thực thể tham gia xây dựng đường ống và nội bộ EU bất đồng. Vậy thực chất cuộc chiến trên mặt trận khí đốt đang diễn ra vì mục tiêu chính trị hay kinh tế?

Toan tính của Mỹ về khí đốt tự nhiên

Liên minh châu âu EU là thị trường khí đốt rộng lớn, 95% nhu cầu khí đốt của EU phải nhập khẩu. Năm 2019 khi vương quốc Anh còn trong EU, 28 nước đã đưa ra thống kê cho thấy EU đã nhập hơn 416 tỷ m3 khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí, trong đó phần lớn đến từ Nga với hơn 170  tỷ m3 (chiếm 40%). Năm 2011 khi sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật xảy ra, nước Đức đã tính đến việc từ bỏ điện hạt nhân. Từ đây hình thành dự án Dòng chảy phương Bắc II (Nord Stream II) dài 1200 km lớn nhất tại châu Âu, đi qua biển ban tích đưa thẳng khi đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Hiện dự án này đã hoàn thành gần 100 % công việc.

Theo thống kê, năm 2019 Đức nhập khẩu gần 100 tỷ m3 khí đốt và hơn 50% trong số này đến từ Nga. Khi dự án dòng chảy phương Bắc II bắt đầu xây dựng, Mỹ cùng Ukraine và Ba Lan đã đồng loạt phản đối với lý do dòng chảy phương Bắc II là “công cụ chính trị, gây ảnh hưởng” của Nga đối với EU. Sau đó Mỹ đã trừng phạt các thực thể tham gia dự án, từ dự án dòng chảy phương Bắc II đã phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa Đức với Mỹ và ngay trong lòng EU về dự án này. Câu hỏi đặt ra là phải chăng Mỹ thực sự quan tâm đến an ninh năng lượng của Đức nói riêng và EU nói chung? Giới phân tích cho rằng ngoài mục tiêu chiến lược về chính trị là Mỹ muốn nắm giữ châu Âu ra thì mục tiêu kinh tế luôn song hành. Vì giá khí đốt tại Mỹ chỉ có 3 franc Thụy Sĩ (3,25 USD/m3) còn nếu bán tại châu Âu là 5 franc/m3 và tại châu Á là 7 franc. Do đó nếu Mỹ bán được nhiều khí đốt cho châu Âu và châu Á, nước Mỹ sẽ có một nguồn thu khá lớn. Và sâu xa hơn là Mỹ muốn tìm cách đánh bật nguồn khí giá rẻ của Nga ra khỏi thị trường EU, Mỹ dựa vào việc khai thác dầu đá phiến đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới nhưng thực tế cho thấy cuộc cạnh tranh này bất lợi nghiêng về phía Mỹ. Cụ thể, năm 2019 EU nhập 16,9 tỷ m3 khí ga hoá lỏng (LNG), đứng thứ ba; Nga đứng thứ hai (20,5 tỷ), Qatar thứ nhất (29,7 tỷ m3).

Trong khi Mỹ cùng một số thành viên trong EU ra sức phản đối dòng chảy phương Bắc II thì một nhân tố mới xuất hiện đó là Thổ Nhĩ Kỳ - nước trung chuyển khí đốt mới của Nga tới Nam Âu. Khi phát hiện việc trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraina có nhiều trục trặc, Nga đề nghị EU sẽ dẫn khí đi qua những nước phía Nam Ukraina nhưng EU không đồng ý. Phía Nga đã cùng Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream) qua biển đen chuyển khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Nam Âu. Sau khi đường ống khánh thành, lượng khí đốt của Nga tới châu Âu qua đường Ukraina đã giảm hẳn. Trên mạng Facebook, Tổng giám đốc công ty Điều hành hệ thống chuyển tải khí đốt Ucraine ông Sergei Makogon viết: “Nga đang giảm dần hoạt động trung chuyển khí đốt qua Ukraina. Sau khi đưa vào hoạt động dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, lượng khí đốt trung chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp qua Bulgaria đã hoàn toàn thay thế lượng khí đốt qua Ukraina. Kể từ ngày 1.4 nguồn cung khí cho Romania được bảo đảm hoàn toàn từ Bulgaria thông qua dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thế khó của Mỹ và EU trước Dòng chảy phương Bắc II

Ngay từ lúc tranh cử tổng thống, ông Joe Biden đồng tình quan điểm của Tổng thống Donald Trump rằng dòng chảy phương Bắc II có hại cho EU. Quan điểm này của Mỹ lệch pha với quan điểm của Đức về dòng chảy phương Bắc II và Đức đang cùng các đối tác hoàn thành phương Bắc II bất kể thái độ của Mỹ ra sao. Trong lần tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loydn Austin thăm Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Đức bà AmmegretKramp- Karrenbaner đã phản đối lời kêu gọi Đức cho dừng thực hiện dự án trị giá 11 tỷ USD mà Đức cùng các đối tác và Nga đang tiến hành, dòng chảy phương Bắc II có khả năng cung cấp tới 110 tỷ m3 khí/năm cho EU. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng trấn an người đồng cấp Mỹ và EU rằng: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng ngay khi dòng chảy phương Bắc II đi vào hoạt động, câu hỏi về bao nhiêu khí đốt chạy qua đây cuối cùng sẽ vẫn phụ thuộc vào cách hành xử của Nga”. Phía Đức muốn cho Mỹ và cả EU biết rằng Đức sẽ đóng cửa ra của khí đốt Nga nếu Nga hành sự vượt ngưỡng các quy tắc dân chủ của Mỹ và EU. Đấy là lý thuyết, còn thực tế với Đức lại khác khi điện than và hạt nhân bị hủy bỏ thì khí đốt của Nga là nguồn năng lượng quan trọng của kinh tế Đức. 50% nguồn năng lượng còn lại phục vụ cho kinh tế Đức phải nhập khẩu từ các nguồn khác, trong đó có khí hóa lỏng của Mỹ. Số lượng khí hóa lỏng Đức mua của Mỹ là chưa đủ so với yêu cầu của Mỹ. Lĩnh vực chính trị, Mỹ đang muốn gắn kết trở lại với Đức và Pháp để củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là duy trì sức mạnh của NATO. Trong khi sườn phía đông của NATO Mỹ đã có và đang muốn mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO trên lãnh thổ của các nước (Đức – Pháp) nhưng cứ theo yêu cầu của Mỹ, chắc chắn sự lệch pha sẽ ngày càng lớn và sẽ dẫn đến sự chia rẽ. Mặt khác nếu Mỹ tiếp tục thực thi các chính sách hỗ trợ bảo vệ các thành viên NATO ở Trung và Đông Âu độc lập với Pháp và Đức sẽ dẫn đến sự chia rẽ giữa Mỹ và các quốc gia hàng đầu EU và NATO.

Với các quốc gia tiêu thụ ít khí đốt tại EU như Ba Lan (khoảng 16-17 tỷ m3/năm) lại cho rằng dòng chảy phương Bắc II là cái gai trong mắt của Mỹ và EU (Ba Lan là nước đầu tiên cùng Ukraina phản đối dự án này). Với Ukraine, tuy chưa là thành viên của EU và NATO nhưng kiên quyết phản đối dòng chảy phương Bắc II do lo ngại bị mất phí trung chuyển khí đốt qua nước này. Tổng giám đốc điều hành hệ thống chuyển tải khí đốt Ukraina Makogen cho rằng việc “nỗ lực ngăn chặn thành công dòng chảy phương Bắc II là rất quan trọng. Trung chuyển khí đốt không chỉ là khoản thu nhập đáng kể mà còn là yếu tố quan trọng đối với an ninh năng lượng và quân sự của Ukraina”. Do đó, sự lệch pha giữa Đức và Mỹ về dòng chảy phương Bắc II âu cũng là chuyện dễ hiểu, vì bỏ qua yếu tố chính trị thì cả Mỹ và Đức đều tập trung vào vấn đề kinh tế. Với Mỹ, muốn thống trị thị trường khí đốt tại châu Âu đây là điều khó xảy ra. Với Đức, chẳng dại gì Đức bỏ qua nguồn khi đốt giá rẻ từ Nga để phục vụ nền kinh tế của riêng mình. Do đó mặt trận khí đốt sẽ vẫn tồn tại sự lệch pha giữa 2 đồng minh thân cận trong NATO.

Nga - Mỹ cạnh tranh tại Bắc cực - nơi ẩn chứa nguồn tài nguyên khổng lồ

Nguồn nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho nền kinh tế thế giới đang dần cạn kiệt, buộc thế giới phải chú tâm đến những vùng đất xa xôi băng giá là Bắc cực - nơi ẩn chứa trong lòng kho tài nguyên khổng lồ mà cả thế giới đang thèm muốn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại Bắc cực chiếm khoảng 25 % tài nguyên toàn cầu đang ngủ yên, trong đó có 13 % lượng dầu mỏ của thế giới, 30 % lượng khí đốt tự nhiên, 20 % khí hóa lỏng chưa được khai thác nằm dưới vùng biển quốc tế (băng phủ dầy) đang bị tranh giành ảnh hưởng. Có thể nói rằng ngay cả khi các ước tính này không hoàn toàn chính xác, ta vẫn không thể phủ nhận rằng Bắc cực chứa đựng lượng dầu thô và khí đốt chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Do đó không có gì là lạ khi các quốc gia trong và ngoài khu vực muốn tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên dự trữ tự nhiên này. Mặt khác, tốc độ tan băng nhanh chóng tại Bắc cực đã làm lộ ra những tuyến hải trình quan trọng rất có thể rút ngắn đường đi của phương tiện vận tải biển đến các châu lục, nhất là sau sự cố tại kênh đào Suez vào cuối tháng 3 vừa qua. Nổi lên trong cuộc cạnh tranh để khai thác dầu và khí đốt tại Bắc cực hiện nay là Nga và Mỹ.

Với Nga: tháng 3.2020 Tổng thống Nga Putin đã phê duyệt “những nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia liên bang Nga tại Bắc cực tới năm 2035” xác định rõ mục tiêu và lợi ích của Nga tại Bắc cực cũng như chiến lược của Nga tại khu vực trong vòng 25 năm tới xác định Bắc cực là một nguồn tăng trưởng kinh tế chính của Nga. Nga coi tuyến đường biển phía Bắc là “hành lang vận chuyển quốc gia cạnh tranh toàn cầu” và “chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ” trở thành lợi ích quốc gia hàng đầu tại Bắc cực và Nga đã thành lập các bộ chỉ huy mới ở Bắc cực.  Các sân bay được cải tạo và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự và kinh tế dọc bờ biển Bắc cực.

Với Mỹ: Bộ Quốc phòng Mỹ đã tóm tắt tầm nhìn Bắc cực của Mỹ. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng cả lợi ích của Mỹ và những điều được cho là mối đe dọa đối với những lợi ích của Mỹ. Duy trì trật tự khu vực vì mục đích dân sự và thương mại và quân sự hợp pháp. Mỹ thiết lập hạm đội hai cho các chiến dịch ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc cực, đưa máy bay B1-B tới Na Uy và huy động các thành viên NATO tăng cường triển khai quân sự tại khu vực.

Xem ra chính sách Bắc cực của Nga rõ ràng hơn Mỹ, từ đây cho thấy trong tương lai không xa, cuộc cạnh tranh tại Bắc cực sẽ rất gay gắt không ngoài mục tiêu khai thác nguồn tài nguyên tại khu vực này mà chủ yếu là dầu và khí đốt.

Như vậy cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Mỹ mới chỉ bắt đầu tại thị trường châu Âu. Chắc chắn một điều rằng bên cạnh hai đối thủ Nga - Mỹ sẽ còn những đối tác khác đang sẵn sàng nhảy vào cuộc cạnh tranh này để chia thị phần tại EU buộc Nga và Mỹ phải xem xét lại giá cả của mình và người hưởng lợi trong cuộc chiến khi đốt Nga - Mỹ chính là EU.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến khí đốt giữa phương Tây và Nga