Cuộc chạy đua vũ trang trên Thái Bình Dương

31/07/2010 14:15

Cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra có đôi chút điều chỉnhvề địa điểm, nhưng thực ra nó nhằm mục đích gì và có tạo ra một cuộc chạy đuavũ trang trên Thái Bình Dương hay không?

Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đầy cam go cuối cùng đã diễn ra. Cam go là vì cuộc tập trận này chịu nhiều sự phản đối từ phía Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên từ cả tháng trước đó với vô vàn lời cảnh báo và hành động ở các cấp độ khác nhau. Cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong lịch sử này, có đôi chút điều chỉnh về địa điểm, thực ra nhằm mục đích gì và nó có tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trên Thái Bình Dương hay không?

Cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ - Hàn Quốc, dưới tên gọi "Tinh thần bất bại", đã khởi động vào sáng ngày 25-7 và kéo dài cho đến ngày 28/7. Với sự tham gia của một hàng không mẫu hạm nguyên tử, 200 chiến đấu cơ và máy bay tàng hình, khoảng 20 chiến hạm và tàu ngầm cùng với 8.000 binh lính, cuộc thao diễn này được đánh giá là có quy mô lớn chưa từng thấy từ hơn 30 năm nay.

Tuyên bố chung hồi tuần qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young và người đồng cấp Mỹ Robert Gates xác định đây là cuộc tập trận đầu tiên trong một loạt các cuộc tập trận nhằm "phát đi thông điệp rõ ràng" với mục đích răn đe Bình Nhưỡng sau vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3/2010 mà Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc do Triều Tiên gây ra.

Cuộc tập trận này bao gồm những bài tập chống tàu ngầm và đây không phải là một điều ngẫu nhiên. Cuộc thao diễn này kéo dài 4 ngày và sẽ có những cuộc tập trận khác trong những tuần lễ sắp tới. Seoul và Washington đều có những cuộc tập trận chung hàng năm, và mỗi lần thì Bình Nhưỡng đều bày tỏ sự phẫn nộ. Tuy nhiên năm nay lực lượng được triển khai có một quy mô hiếm thấy. Chưa bao giờ mà lực lượng tham gia lại hùng hậu như thế từ năm 1976 đến nay. Vào năm đó có sự kiện hai lính Mỹ bị lính CHDCND Triều Tiên bắn chết ở vùng biên giới. Do đó, lần này Bình Nhưỡng dọa là sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân.

Thông tấn xã Nhà nước Hàn Quốc (KCNA) trích lời các quan chức quốc phòng Bình Nhưỡng khẳng định đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh trả đũa "răn đe hạt nhân". "Cuộc diễn tập chiến tranh hoàn toàn là hành vi khiêu khích trắng trợn nhằm áp chế CHDCND Triều Tiên bằng sức mạnh quân sự" - theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng CHDCND Triều Tiên. Theo tờ Minju Josun của Chính phủ Triều Tiên, cuộc tập trận sẽ gây ra một cuộc xung đột vũ trang và thậm chí là một cuộc chiến tổng lực.

Bình Nhưỡng cho rằng, bất kỳ vụ đụng độ "bất ngờ" nào trong thời gian diễn ra cuộc tập trận trên cũng có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn ở mức cao xung quanh vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc trên Hoàng Hải.

Thế nhưng cuộc thao diễn hải quân với mục tiêu ngăn ngừa hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng trong tương lai và cho thấy liên minh quân sự chặt chẽ Mỹ - Hàn, cũng đang làm Bắc Kinh lo ngại. Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối cuộc tập trận diễn ra ở vùng Hoàng Hải. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, trong việc tiến hành các cuộc tập trận này, Mỹ và Hàn Quốc đã tỏ thái độ nhân nhượng, nếu không muốn nói là lùi bước trước phản ứng của Trung Quốc. Dấu hiệu rõ nhất là quyết định thay đổi địa điểm cuộc tập trận này. Cuộc diễn tập trước đây dự trù diễn ra tại Hoàng Hải, vùng biển nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, cuối cùng đã được dời qua vùng biển Hoa Đông, còn gọi là biển Nhật Bản, có ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bao quanh.

Quyết định thay đổi địa điểm đã được đưa ra sau một loạt tuyên bố phản đối từ phía Trung Quốc, cho rằng cuộc diễn tập hải quân Mỹ - Hàn phương hại đến lợi ích cơ bản của họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương mới đây đã xác định rằng quyền lợi của Trung Quốc bao gồm các lĩnh vực từ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cho đến kinh tế và phát triển.

Một số tướng lĩnh Trung Quốc, trong đó có cả Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội là tướng Mã Hiểu Thiên đã tuyên bố: Trung Quốc kiên quyết phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và đe dọa là Bắc Kinh kiên quyết trả đũa. Dĩ nhiên Bắc Kinh không thể buộc được Seoul hay Washington đình chỉ kế hoạch của mình. Thế nhưng rõ ràng là phản ứng dữ dội của Trung Quốc đã khiến cho cả Mỹ lẫn Hàn Quốc phải suy nghĩ, nhất là khi một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề CHDCND Triều Tiên nhất thiết cần đến sự trợ giúp của Bắc Kinh.

Tàu chiến của lực lượng hải quân Trung Quốc trong cuộc diễn tập mang tên "Chiến tranh 2010" được tổ chức trong 2 ngày 17 và18-7 trên biển Hoàng Hải.

Theo giới phân tích, thái độ kiên quyết của Trung Quốc chống đối cuộc tâp trận của Mỹ - Hàn trên biển Hoàng Hải, xuất phát chủ yếu từ việc Mỹ dự định đưa hàng không mẫu hạm đến tham gia, mà cụ thể là chiếc USS Washington rất hiện đại. Bắc Kinh sợ rằng một khi tàu sân bay của Mỹ vào đến Hoàng Hải, máy bay trên tàu này, với tầm hoạt động khoảng từ 700 đến 1.000km, sẽ có thể do thám các bí mật quân sự của Trung Quốc tại vùng cửa ngõ chiến lược quan trọng đó.

Mặt khác, phản ứng của Trung Quốc còn phản ánh tham vọng mới của nước này trong việc tìm cách khống chế, thậm chí độc chiếm các vùng biển quanh mình, mà nổi cộm nhất trong thời gian qua là vấn đề biển Đông. Theo các nhà quan sát, tham vọng làm chủ mặt biển Trung Quốc sẽ đụng chạm tới lợi ích của Mỹ, hiện là cường quốc hải quân thống trị trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Điều này có nguy cơ làm cho tình hình khu vực căng thẳng thêm nếu hai bên không khoan nhượng nhau.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là liệu thái độ nhân nhượng của Mỹ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải có thỏa mãn Trung Quốc được hay không trong khi mà Seoul và Washington còn dự trù nhiều cuộc tập trận khác chung quanh bán đảo Triều Tiên.

Riêng Nhật Bản thì có vẻ tán đồng cuộc thao diễn nhằm răn đe người láng giềng CHDCND Triều Tiên. Lần đầu tiên Tokyo cử 4 sĩ quan hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia cuộc tập trận với tư cách quan sát viên. Quyết định cử MSDF tham gia một cuộc tập trận như vậy cũng được cho là chưa từng có tiền lệ đối với Chính phủ Nhật Bản.

(Theo An ninh Thủ đô)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chạy đua vũ trang trên Thái Bình Dương