Được tin ông bạn nhà ở phố bên chiều nay mời "thầy" đến làm lễ cúng tạ đất, ông Minh trên đường đi bộ thể dục tiện thể rẽ qua hỏi xem thủ tục thế nào.
Gần đến nhà ông Hải, ông Minh thấy ông "thầy" tay xách cái cặp đi lên chiếc xe con đang chờ sẵn ở trước cửa. Chiếc xe đi khuất, ông Minh thấy ông Hải một tay cầm đĩa bánh kẹo đầy, tay kia cầm đĩa gạo và muối miệng lẩm bẩm.
Mời ông Minh vào nhà uống nước, ông Hải kể:
- Đúng ra sang tháng chạp mới cúng tạ đất nhưng tôi làm trước vì tháng sau bận nhiều việc. "Thầy" làm khoảng hai tiếng, giờ mới xong. Tiền vàng, ngựa tôi hóa hết rồi, còn đĩa bánh kẹo, đĩa gạo và muối này "thầy" bảo đem ra chỗ ngã tư đầu phố mà rắc, cho các linh hồn lang thang thụ hưởng. Tôi bảo con Lan đem rắc hộ mà nó ngại.
Từ phòng trong, Lan, con ông Hải bước ra chào ông Minh rồi thanh minh:
- Không phải cháu ngại đâu, cháu bảo bố cháu chỉ rắc đĩa gạo và muối thôi, chứ đem hẳn đĩa bánh kẹo ra ngã tư rắc cháu thấy thế nào ấy. Đoạn đường này do Chi đoàn Thanh niên đảm nhiệm về môi trường, cháu lại đem bánh kẹo ra rắc thì không được. Hơn nữa vào dịp rằm tháng bảy cháu thấy có nhà cũng đem bánh kẹo ra chỗ đó rắc, xe cộ đi lại, bánh kẹo vỡ vụn chảy nước nhìn mất vệ sinh lắm.
Nhận chén trà từ ông Hải mời, ông Minh chậm rãi nói:
- Cháu Lan nói phải đấy ông ạ! Anh em mình nhiều khi tín quá, "thầy" bảo sao chỉ biết làm vậy.
Nhấp ngụm trà ông Minh nói tiếp:
- Theo tôi, đĩa bánh kẹo này ông đem về cho các cháu ở quê. Quê nhà mình tôi thấy nhiều nơi còn thiếu thốn lắm, nhiều cháu có khi cả năm mới được một vài lần ăn kẹo. Hoặc ông cho thằng cháu nội đem đi mẫu giáo mà ăn dần. Niềm tin tín ngưỡng cần nhất là thành tâm, không nên làm ảnh hưởng tới môi trường, làng xóm.
Ông Hải dường như đã nhận ra điều mình làm chưa đúng:
- Ông nói phải. Được việc mình mà ảnh hưởng xung quanh thì cũng không hay lắm. Tôi sẽ giải quyết đĩa bánh kẹo này như cách ông nói, có khi đây lại là một bước nhận thức mới trong phong tục tín ngưỡng ông nhỉ...
ĐOÀN TUYNH