Thị trường hàng hóa bây giờ thật phức tạp, thật giả lẫn lộn. Hàng giả, hàng nhái được đóng gói quá tinh vi, rất khó phát hiện...
Đọc xong bài báo về hàng giả, hàng nhái, Thanh bảo mẹ:
- Ở huyện mình vừa có một chủ cửa hàng tạp hóa buôn bán mì chính Ajinomoto giả bị phát hiện và tịch thu 70 kg hàng đấy mẹ ạ!
Bà Xuân nghe con nói vậy, thở dài:
- Thị trường hàng hóa bây giờ thật phức tạp, thật giả lẫn lộn. Hàng giả, hàng nhái được đóng gói quá tinh vi, rất khó phát hiện.
- Nếu quan sát kỹ và để ý thông tin sản phẩm thì trong nhiều trường hợp người tiêu dùng vẫn có thể nhận ra.
- Ừ, con nói thế mẹ mới nhớ hồi đầu vụ chiêm này, cô Bảo ở xóm bên khi mua thuốc bảo vệ thực vật tại cửa hàng ông T. đã phát hiện ra mình mua phải hàng giả. Dịp đó, theo khuyến cáo phòng nông nghiệp huyện sử dụng phân bón qua lá để kích thích cây lúa ra rễ trước khi tiến hành tỉa dặm và các biện pháp chăm sóc khác. Cô Bảo và nhiều người nghe theo sự tư vấn của ông T. đã mua hơn chục gói thuốc có in dòng chữ rất to là “Siêu lân ra rễ”. Khi con trai cô Bảo đi phun thuốc đã phát hiện ra đó chỉ là cái mác giả. Đằng sau đó là một cái mác có in dòng chữ: “Siêu to hạt”.
- Hai nội dung đó hoàn toàn khác nhau! Nếu là “siêu lân ra rễ” thì phun vào thời điểm ấy là đúng. Nhưng nếu là “siêu to hạt” thì phải phun ở giai đoạn lúa thấp tho trỗ. Rồi cô ấy làm thế nào với số thuốc ấy?
- Cô ấy định mang trả và yêu cầu ông T. giải thích nhưng lại ngại vì ông T. hay cậy thế cửa hàng độc quyền, có thái độ coi thường khách hàng, nói năng khó nghe.
Giờ thì đến lượt Thanh thở dài:
- Luôn là người tiêu dùng phải chịu thiệt… Giá như cô Bảo báo cơ quan chức năng thì sự việc chắc đã được giải quyết, toàn bộ số hàng đó sẽ bị thu hồi, ông T. sẽ bị xử phạt hành chính để làm bài học giống như trường hợp của bà bán mì chính giả kia. Có vậy mọi người mới cùng góp phần làm trong sạch thị trường…
ĐỖ THỊ YẾN