Những biện pháp trợ giúp của chính quyền và các sở, ngành trong tỉnh đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định...
Công ty CP May II Hải Dương duy trì sản xuất ổn định
Toàn tỉnh hiện có 6.033 doanh nghiệp trong nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 40 nghìn tỷ đồng; 234 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký trên 5,6 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 290 nghìn lao động. Hằng năm, các doanh nghiệp đóng góp gần 6.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, trở thành lực lượng quan trọng hàng đầu và không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, quy mô và lĩnh vực hoạt động. Hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng nâng cao.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước. Những dấu hiệu bất ổn xuất hiện ngay từ giữa năm 2011 và biểu hiện rõ rệt nhất từ quý II - 2012. Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất duy trì ở mức cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán giảm sâu, bất động sản đóng băng, sức mua của người dân kém khiến hàng hóa tồn kho lớn. Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc dừng sản xuất. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp đạt thấp so với nhiều năm gần đây. Khủng hoảng kinh tế khiến nguồn thu giảm sút, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn.
Đứng trước những bất ổn của nền kinh tế, hàng loạt các biện pháp đã được UBND tỉnh triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tìm biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho bằng việc tiếp tục đẩy mạnh hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt hoặc xóa bỏ các thủ tục không cần thiết, gây cản trở doanh nghiệp, nhất là các thủ tục thuế, hải quan. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình của các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương phối hợp với các nhà thầu xây dựng và đơn vị tư vấn liên quan rà soát, lập báo cáo bằng văn bản về nhu cầu sử dụng xi-măng, sắt thép để hoàn thành phần khối lượng còn lại chưa đầu tư của dự án. Theo đó, chủ đầu tư có thể sử dụng xi-măng, sắt thép sản xuất trong tỉnh thay thế xi-măng, sắt thép khác theo hợp đồng xây dựng.
Công ty CP Đá mài Hải Dương duy trì sản xuất ổn định trong thời kỳ ổn định kinh tế
Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng được coi là yếu tố sống còn, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh phối hợp với một số sở, ban ngành tổ chức các buổi tọa đàm với các doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Các buổi tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được giải quyết. Ngành ngân hàng cũng đã ký chương trình phối hợp với Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Hiện tại, lãi suất cho vay được các TCTD trên địa bàn áp dụng dao động từ 12 - 15%/năm, những lĩnh vực ưu tiên trung bình từ 9 - 11%/năm. Các TCTD đã ưu tiên đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13 của Chính phủ: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đã có hàng nghìn khách hàng cá nhân và doanh nghiệp được vay khoảng 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 9 - 11%/năm.
Mặc dù đứng trước áp lực hoàn thành thu NSNN, nhưng ngành thuế cũng triển khai hàng loạt những biện pháp nhằm trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, Cục Thuế tỉnh tiến hành rà soát các đối tượng nộp thuế, thực hiện giãn thuế giá trị gia tăng phải nộp các tháng 4, 5, 6 năm 2012 cho các doanh nghiệp với số tiền trên 142 tỷ đồng. Đã có 1.044 doanh nghiệp được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2011 sang năm 2013 với số tiền 72,8 tỷ đồng; 192 đơn vị được gia hạn 9 tháng thuế TNDN từ 2011 trở về trước nhưng chưa nộp với số tiền 7,5 tỷ đồng; giảm 30% thuế TNDN năm 2012 cho trên 1.500 doanh nghiệp với số tiền khoảng 47,7 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành thuế còn thực hiện giảm 50% tiền thuê đất phải nộp cho 12 doanh nghiệp; miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 từ tiền công và kinh doanh cho trên 33 nghìn đối tượng với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng...
Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng, những biện pháp trợ giúp của chính quyền và các sở, ngành trong tỉnh đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định. Hàng tồn kho đã giảm bớt, nhiều quy định bất cập đã được xóa bỏ. Với nguồn vốn giá rẻ cộng với tiền thuế được giãn, giảm, miễn, nhiều doanh nghiệp đã tái đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đà đi lên.
VỊ THỦY