Phụ cấp thấp, công việc nhiều khiến hoạt động của y tế thôn đang gặp rất nhiều khó khăn...
Y tế thôn phát tờ rơi hướng dẫn kiến thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ)
Những quy định về hoạt động y tế thôn như mỗi thôn chỉ có 1 y tế thôn, phụ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương tối thiểu đang gây nhiều khó khăn cho đội ngũ y tế thôn, nhất là ở những thôn đông dân.
Bất cập thôn đông dân
Xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) có 4 thôn, trong đó có 2 thôn đông dân là Hiệp Thượng (khoảng 3.600 người) và An Cường (khoảng 2.700 người). Là một trong những xã phát triển mạnh về công nghiệp, những năm gần đây, số dân của xã cũng gia tăng do nhiều công nhân từ nơi khác đến sinh sống. Trong đó, riêng thôn Hiệp Thượng tăng thêm khoảng 600 - 700 người. Địa bàn thôn Hiệp Thượng trải rộng, dân cư nằm rải rác ở vùng núi và khu chuyển đổi gây khó khăn cho y tế thôn. "Trước ngày tiêm chủng hay uống vi-ta-min A là mệt nhất, đạp xe đạp đi khắp 3 xóm để đưa giấy mời, nhắc nhở từng gia đình có con nhỏ cho con đến Trạm Y tế xã. Các hoạt động này đã được thông báo trên loa truyền thanh nhưng do đặc thù địa hình nên nhiều gia đình không nghe thấy thông báo. Nếu không đến tận nơi thì họ không biết. Nhiều khi cũng không đi hết được các gia đình hoặc đến không gặp, họ không nắm được thông tin nên cũng thắc mắc với tôi", y tế thôn Hiệp Thượng Nguyễn Thị Huê cho biết.
Theo Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 8-3-2013 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của y tế thôn, bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 5- 2013, y tế thôn phụ trách tới 9 nhóm nhiệm vụ như: tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường... Trong khi đó, chỉ mỗi thôn được bố trí 1 y tế thôn gây khó khăn cho nhiều xã có thôn đông dân. Ông Đoàn Văn Thủy, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn cho biết: "Huyện có nhiều xã, thị trấn có thôn đông dân như An Phụ, Hiệp Hòa, Minh Tân, Phú Thứ... Trong đó, một số thôn có từ 5.000 - 6.000 dân. Phụ cấp của y tế thôn quá thấp, thực sự không bảo đảm được cuộc sống. Trong khi đó, nhiều xã có thôn đông dân phải bố trí thêm người bổ sung, mức phụ cấp càng bị chia nhỏ ra nên mỗi y tế thôn còn chả đáng là bao". Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hiệp Sơn cho biết: "Vài năm nay, xã phải thuê thêm 2 y tế thôn bổ sung cho 2 thôn đông dân mới đáp ứng được công việc, dù biết làm vậy là không đúng theo quy định. Không có kinh phí hỗ trợ thêm cho 2 người mới này nên xã đã họp bàn, thống nhất với các y tế thôn và chia đều phụ cấp của 4 người cho 6 người. Với mức phụ cấp 30% lương cơ bản, lẽ ra mỗi y tế thôn sẽ được lĩnh 315 nghìn đồng/tháng thì nay chỉ còn 210 nghìn đồng/tháng".
Khó tuyển dụngTheo quy định, tuổi nghỉ hưu của y tế thôn đối với nam là 60, nữ là 55. Quy định này cũng đang gây khó khăn trong tuyển dụng người mới ở một số địa phương. Ông Nguyễn Huy Du, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Sách cho biết: "Hiện nay, hầu hết y tế thôn ở trong độ tuổi khoảng 50. Một số người đến hết năm nay là đến tuổi nghỉ hưu. Năm 2012, trung tâm phối hợp với Trường Trung cấp Y tế Hải Dương dự định mở lớp đào tạo nguồn nhưng chỉ có 4 hồ sơ nộp vì vậy không thể tổ chức lớp học". Do phụ cấp thấp, đi học lại mất kinh phí nên không ai mặn mà tham gia. Ông Du cũng thực hiện một so sánh khá "chua chát": "Y tế thôn đòi hỏi trình độ sơ cấp về y hoặc được đào tạo từ 3 tháng trở lên theo khung đào tạo của Bộ Y tế. Đến khi đi làm, thu nhập lại thua xa với những người đi làm công việc ngày mùa như hiện nay mà chẳng cần trình độ chuyên môn gì như công cắt hành cũng 200 nghìn đồng/ngày công, đi gặt thuê cũng phải 250 nghìn đồng/ngày".
Hiện nay, theo Quyết định số 75/2009/QĐ- TTg về việc quy định chế độ phụ cấp với nhân viên y tế thôn, bản, tỉnh ta chỉ có 5 xã thuộc thị xã Chí Linh y tế thôn được hưởng mức phụ cấp bằng 50% lương tối thiểu là Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hưng Đạo, Văn Đức, Kênh Giang. Y tế thôn ở các xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh đều được hưởng mức phụ cấp 30% lương tối thiểu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.400 thôn, khu dân cư, trong đó có hơn 100 thôn đông dân. Tháng 7- 2010, Sở Y tế đã đề xuất với UBND tỉnh những thôn có từ 2.500 dân trở lên bố trí từ 2 y tế thôn nhưng chưa được chấp thuận. Do vậy, các địa phương đã tự bố trí thêm người và đều phải chia mức hỗ trợ ít ỏi theo đầu người. Sở Y tế đã có hướng dẫn những y tế thôn khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn bảo đảm sức khỏe, chuyên môn có thể làm đơn tiếp tục công tác. Tuy nhiên, con số này rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do phụ cấp quá thấp không thể khuyến khích được y tế thôn tiếp tục gắn bó với công việc.
Không thể phủ định vai trò của y tế thôn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương nhưng các quy định về chế độ, chính sách hiện nay chưa thực sự bảo đảm quyền lợi của họ cũng như khuyến khích tinh thần, trách nhiệm của họ đối với công việc. Để khắc phục những khó khăn, các xã, phường, thị trấn đang phải tự loay hoay tìm giải pháp để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề nghị ngành y tế tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh kịp thời đề xuất những chế độ, chính sách hợp lý đối với y tế thôn, nhằm động viên, khuyến khích kịp thời họ gắn bó với công việc, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân.
MINH HẠNH