Quan điểm và ý kiến của Bác Hồ về vấn đề phòng, chống bão, lũ, giảm nhẹ thiên tai cho thấy một tầm nhìm xa trông rộng, một trí tuệ sâu sắc và tinh tường của Người.
Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL thành lập tại Bắc Bộ một “Ủy ban Trung ương hộ đê”, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều.
Sinh thời, Bác rất quan tâm đến công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Người từng nói, thiên tai là một loại giặc “tiên phong của đói và nghèo”, nên phòng, chống thiên tai là cần phải củng cố, bảo vệ đê điều, chống hạn hán, lũ lụt và tăng cường trồng cây gây rừng.
Hầu như vào tất cả các năm, khi mùa mưa lũ sắp đến, Bác Hồ đều gửi điện hoặc viết thư nhắc nhở cán bộ, nhân dân các tỉnh có đê và toàn dân ta nói chung phải cảnh giác giữ đê, tích cực đắp đê để phòng lụt lội. Người dạy rằng: “Công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và vì lợi ích của mọi người dân”. Người nói một cách dễ hiểu: “Lụt thì lút cả làng/Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng phải lo”. Người quan niệm muốn chống thiên tai hiệu quả trước hết phải chú ý đến công tác dự báo, đề phòng, chuẩn bị. Người luôn nhắc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cảnh giác, tập trung chuẩn bị trước để phòng, chống thiên tai. Người viết: Tuyệt đối không nên chờ “nước đến chân mới nhảy".
Theo Người, các cấp chính quyền phải có kế hoạch cụ thể, khoa học; phải có sự phân công rõ ràng, kiểm tra, đôn đốc chu đáo: “Trong việc đắp đê, giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất. Cán bộ quân, dân, chính, đảng, những vùng ấy phải xem việc đắp đê, giữ đê là việc chính. Phối hợp phải thật chặt chẽ. Chỉ đạo phải thật thiết thực. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh”.
Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, mặc dù bận trăm công nghìn việc, song Người đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra đê điều, động viên công việc đắp đê phòng, chống lũ lụt. Khi biết tin đê sông Hồng ở khu vực Hưng Yên, Thái Bình bị vỡ, Người trực tiếp xuống kiểm tra việc khắc phục hậu quả. Người hỏi cặn kẽ có mấy người bị nạn, dặn dò trước hết phải lo cái ăn để dân khỏi đứt bữa, sau đến nơi ở và ổn định sinh hoạt cho mọi người, tập trung nhân tài vật lực để đắp lại chỗ đê bị vỡ...
Quan điểm và ý kiến của Bác Hồ về vấn đề phòng, chống bão, lũ, giảm nhẹ thiên tai cho thấy một tầm nhìm xa trông rộng, một trí tuệ sâu sắc và tinh tường của Người. Hiện nay, thiên tai đang là một vấn đề lớn của quốc gia. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải học tập tư tưởng và những việc làm thiết thực của người trong việc phòng, chống thiên tai.
PHỐ CHÂU (biên soạn)