Bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đã và đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống...
Chính vì vậy, ngày 25.11 hằng năm được Liên hợp quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ toàn cầu phát động chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Toàn thế giới đang cùng nỗ lực để chống lại hành động bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Những con số đau lòng
Bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước, các tổ chức trên thế giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn ra ở nhiều nơi và với mọi đối tượng.
Xã hội càng phát triển thì các hình thức bạo lực càng biến tướng khôn lường. Các hình thức bạo lực thường xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái là: Bạo lực do người thân quen gây ra (vùi dập, lạm dụng tâm lý, cưỡng bức, xâm hại); bạo lực và quấy rối tình dục (hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, cưỡng hôn, quấy rối nơi công cộng, quấy rối trên mạng); buôn người (nô lệ, bóc lột tình dục); cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và tảo hôn.
Theo công bố của Liên hợp quốc, cứ 3 phụ nữ và trẻ em gái thì có 1 người từng phải chịu bạo lực thể xác hoặc tình dục, phần lớn thủ phạm là người thân quen. Cứ 2 phụ nữ bị giết trong năm 2017 thì có 1 người bị người thân quen sát hại.
Chỉ 52% phụ nữ đã lập gia đình hoặc sắp kết hôn được tự do đưa ra quyết định về quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe.
Gần 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi. 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái bị cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. 71% nạn nhân buôn người trên toàn thế giới là phụ nữ và trẻ em gái và 3 trong số 4 nạn nhân bị bóc lột tình dục.
Ở Việt Nam, bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngày càng nghiêm trọng. Nó xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội từ nông thôn tới thành thị và cả trong hoàn cảnh giàu hay nghèo.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, trung bình cứ mỗi ngày toàn quốc có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện.
Đến năm 2018, số trẻ bị xâm hại tình dục trung bình mỗi ngày đã tăng lên 4,6 em. Phụ nữ, trẻ em không chỉ là nạn nhân chính của bạo lực trong gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.
Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy, có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực gia đình. Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Theo bà Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bạo lực gia đình thường bị che giấu đằng sau cánh cửa. Vì thế, nhận diện hành vi bạo lực gia đình là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, đặc biệt là các hình thức bạo lực tình dục và tinh thần.
Không chỉ vậy, do nhận thức hoặc do cá nhân, tập thể cố tình giấu giếm, che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”… nên nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra ở cộng đồng dân cư đã không được tổng hợp, báo cáo kịp thời.
Những hành vi bạo lực và xâm hại để lại những hậu quả nặng nề không thể đo đếm được. Đó không chỉ là những tổn hại về sức khỏe và tinh thần phụ nữ, trẻ em mà còn là những ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động của toàn xã hội. Ước tính, bạo lực gia đình gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm.
Bên cạnh đó, dù xã hội phát triển nhưng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ tròn 18 và nam giới là đủ tròn 20, song trên thực tế có khoảng 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18.
Còn tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống tuy không cao như tảo hôn, chiếm khoảng 0,65%, nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, làm mất đi cơ hội học tập, gia tăng sự nghèo đói.
Xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em
Sớm nhận thức được những tác hại của nạn bạo hành gia đình, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) từ năm 1982 và ký kết một số hiệp ước, công ước quốc tế khác về quyền con người có liên quan đến bình đẳng giới, cũng như các cam kết quốc tế khác.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và và phòng ngừa bạo lực gia đình như: Hiến pháp năm 2013; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020…
Bên cạnh việc xây dựng chính sách pháp luật, từ năm 2013, Việt Nam đã xây dựng một số Trung tâm tư vấn pháp lý cho phụ nữ nghèo và bị bạo hành tại Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh; hàng chục Ngôi nhà bình yên, nơi mà những phụ nữ bị bạo lực gia đình hoặc những nạn nhân bị mua bán có thể đến tạm trú.
Các tỉnh, thành phố đã triển khai các hoạt động như: Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực, thành lập các tổ phòng, chống bạo lực giới, địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh…
Bộ Y tế cũng đã triển khai mô hình can thiệp giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 24 tỉnh với 111 huyện, 445 xã. Các cấp, các ngành có liên quan cũng đã thực hiện việc lồng ghép hoạt động giảm tảo hôn vào các chương trình, chính sách đang triển khai; nâng cao dân trí và hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Việt Nam đã đề ra mục tiêu là đến năm 2025, sẽ giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
Nhờ những nỗ lực đó, phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2018, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 6/57 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ; tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động chiếm đến 71%; có tới 94,6% nữ từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết…
Việt Nam là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số số 5 (SDG5) của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Qua việc tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…, đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết dần được hủy bỏ.
Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, cụ thể là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn chưa cao. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ. Vì vậy tính phòng ngừa, răn đe còn hạn chế.
Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2019 (tổ chức từ ngày 15.11 - 15.12), với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” tổ chức ngày 9.11.2019, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng cùng chủ động cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực.
Hãy coi công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp và cả cộng đồng.
Sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh to lớn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em...
Theo TTXVN