Xây dựng gia đình văn hóa

27/06/2020 08:02

Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có bước phát triển mới, đồng bộ về công tác xây dựng gia đình văn hóa với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng mong muốn có một gia đình luôn luôn hòa thuận, đầm ấm - gia đình văn hóa. Gia đình lớn thì có ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột. Gia đình riêng chỉ có vợ chồng, sau đó có các con... Mặc dù có gia đình riêng, ra ở nhà riêng rồi, nhưng trong tâm thức ta vẫn thường luôn nhớ về gia đình lớn, nơi ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Những ngày giỗ, lễ Tết, dù ở đâu xa ta vẫn nhớ về gia đình, mong được về sum họp cùng cả nhà. 

Gia đình, nơi ấy là tổ ấm, nơi ta đi về, nơi chở che, chứa đựng, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Mỗi khi trong lòng có nỗi ưu phiền, khổ đau, ta đều mong được về với cha mẹ để được an ủi. Khi có niềm vui ta cũng mong được sẻ chia. Gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng nhân cách. Truyền thống gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, lối sống, nhân cách, phẩm chất của mỗi thành viên. Nhiều bậc tài danh có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương đều được tiếp thu từ truyền thống và sự giáo dục của gia đình mà trực tiếp là cha mẹ. Dân gian có câu "cha nào con ấy" nên mỗi người trong chúng ta đều phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ, vun đắp, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc - gia đình văn hóa. Nói về tầm quan trọng của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình. Vì vậy muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt". Người còn nói: "Trong một nhà phải trên thuận, dưới hòa. Trong một nhà như thế thì nhất định phát đạt".

Hiện nay trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động nhiều đến gia đình Việt Nam, làm thay đổi nhanh chóng cấu trúc xã hội, quy mô, nếp sống, gia phong. Những hiện tượng ly hôn, con cái hư hỏng, anh chị em bất hòa, kiện tụng tranh giành nhau chỉ vì vài mét đất hương hỏa, không thực hiện bổn phận làm con đối với cha mẹ già, bạo lực gia đình... có chiều hướng gia tăng.

Thấy trước những tiềm ẩn gây ảnh hưởng, tác động không tốt đến gia đình, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ ra: "Phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đến Đại hội Đảng lần thứ XI vẫn tiếp tục khẳng định: "Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào của xã hội". Ngày 28.6 hằng năm được lấy là Ngày Gia đình Việt Nam để tôn vinh những gia đình văn hóa, truyền thống của gia đình Việt Nam. Ngày 29.5.2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu là "Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội".

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có bước phát triển mới, đồng bộ về công tác xây dựng gia đình văn hóa với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Xây dựng những tiêu chí về gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cơ sở thực hiện. Tích cực tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... Toàn tỉnh có gần 90% số gia đình được công nhận là "Gia đình văn hóa".

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứXVII, tại mục C về tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng con người Hải Dương, ghi rõ: "Xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh... chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam nói chung, con người xứ Đông nói riêng về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất... phát triển đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao...". Đây là cơ sở để chúng ta xây dựng gia đình văn hóa một cách vững mạnh.

VŨ HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng gia đình văn hóa