Vì sao chủ quan phòng dịch?

20/08/2020 09:02

Sau hơn 3 tháng “im hơi lặng tiếng”, dịch Covid-19 đã quay trở lại tấn công và diễn biến phức tạp, bắt đầu là ở Đà Nẵng và nay đã đến tỉnh ta với tâm điểm là TP Hải Dương.

Sự xâm nhập vào cộng đồng của Covid-19 theo các chuyên gia đánh giá có thể là từ bên ngoài. Nhưng khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, một nguyên nhân quan trọng khiến nó lây lan nhanh chóng là sự chủ quan, lơ là phòng dịch của một bộ phận lớn người dân. Để thay đổi tâm lý chủ quan nguy hiểm này, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lý do nó vẫn phổ biến, ngay cả ở những người đang sống trong vùng dịch và những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Sau đợt giãn cách xã hội toàn quốc vào tháng 4, Chính phủ kêu gọi người dân quay trở lại cuộc sống thường nhật trong trạng thái bình thường mới, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh. Nhưng rất nhiều người quay trở lại cuộc sống không khác gì so với trước kia, nghĩa là giống như nguy cơ bệnh dịch không còn. Không những không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, nhiều người còn mang tâm lý “bù đắp” cho những ngày giãn cách xã hội bằng cách tổ chức, tham gia nhiều cuộc gặp gỡ đông người dù không thật cần thiết, đổ xô đi du lịch mà không có ý thức phòng tránh. Trong khi lẽ ra ở trạng thái bình thường mới, chúng ta cần hạn chế những hoạt động này và khi tham gia thì luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của ngành y tế. Hiện nay, ở những nơi chưa xuất hiện người nhiễm bệnh, tình trạng này cũng vẫn còn tồn tại.

Sự chủ quan này một phần do suy nghĩ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nên nhiều người tưởng rằng nguy cơ lây nhiễm không còn. Nhiều người trẻ tuổi có suy nghĩ khá sai lầm là bệnh dịch chỉ nguy hiểm đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền chứ thanh niên sức khỏe tốt sẽ không bị ảnh hưởng nhiều dù nhiễm bệnh. Nhiều người cho rằng cần sống chung với dịch bệnh theo kiểu chấp nhận rủi ro “trời kêu ai, nấy dạ” chứ không tìm cách ngăn chặn, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, sau đó là Hải Dương, một số người thuộc diện phải rà soát đã trốn tránh việc khai báo y tế. Gần đây nhất là những trường hợp đã từng đến nhà hàng Thế giới bò tươi ăn uống nhưng không tự nguyện khai báo mà phải để các cơ quan chức năng dò tìm và sau đó đưa đi cách ly. Nếu như chủ động khai báo từ đầu thì họ đã giúp cho nhiều người khác không rơi vào nguy cơ vì đã tiếp xúc với mình. Sự chủ quan này xuất phát từ việc mọi người sợ phải cách ly xã hội và cho rằng sức khỏe mình vẫn đang ổn, không cần phải khai báo.

Sự chủ quan, lơ là phòng dịch ở mỗi nơi, mỗi điều kiện, hoàn cảnh có biểu hiện và xuất phát từ những trạng thái tâm lý cụ thể khác nhau như vậy nhưng tựu trung nguyên nhân chính sâu xa vẫn là nhận thức về bệnh dịch và ý thức phòng tránh vì cộng đồng đều còn hạn chế. Để kiểm soát được bệnh dịch, bên cạnh các công tác chuyên môn về y tế, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân. Nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn tồn tại nếu không tuân thủ các nguyên tắc phòng tránh ngay cả khi nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ý thức phòng tránh dịch bệnh vì cộng đồng, không vì sự bất tiện của bản thân mà lơ là phòng dịch, trốn tránh khai báo y tế. Ngay cả khi bản thân chấp nhận rủi ro thì vẫn phải tuân thủ để không ảnh hưởng tới những người khác. Mỗi người cần tự ý thức được việc tuân thủ các quy định càng nghiêm túc, chặt chẽ thì chúng ta càng sớm đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh, giúp xã hội trở về nhịp sống bình thường mới.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao chủ quan phòng dịch?