"Vết nứt" của đạo đức xã hội

16/09/2019 23:28

Thời gian gần đây, tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang... liên tiếp xảy ra các thảm án (có cả giữa người thân với nhau) làm rúng động dư luận.

Nhiều người bị tước đoạt mạng sống một cách oan uổng, nhiều gia đình rơi vào tột cùng của sự đau thương, người dân bàng hoàng, lo lắng. Nỗi đau không chỉ đối với những người liên quan trực tiếp gánh chịu mà còn là nỗi đau chung của xã hội khi giá trị đạo đức bị xuống cấp nghiêm trọng, ứng xử giữa người với người, ngay cả trong một gia đình, dòng tộc, được tính bằng mạng sống, giá trị vật chất được đặt lên trên tình cảm máu mủ.

Vụ thảm sát tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã nửa tháng trôi qua vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân trong vùng nói riêng cũng như người dân Hà Nội và cả nước nói chung.

Ám ảnh vì sự man rợ của người anh trai truy sát cả gia đình em ruột khiến 4 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Ám ảnh khi gây án xong, đối tượng vẫn bình thản ngồi uống nước, bình thản khi bị công an bắt giữ và bình thản khi thuật lại chi tiết của tội ác... Nguyên nhân của thảm án này khiến người ngoài cuộc ngỡ ngàng bởi chỉ liên quan đến 0,5 mét đất giáp ranh giữa hai gia đình.

Hay vụ án mạng ngày 14.9, tại quán Hầm Phố (đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi nhóm ba thanh niên gặp một nhân viên trong quán để giải quyết mâu thuẫn rồi xảy ra xô xát khiến một người tử vong.

Sáng 16.9, lại một thảm án khác lxảy ra tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi một thanh niên đâm tử vong hai nữ sinh rồi nhảy từ tầng cao của ngôi nhà xuống đất tự tử. Đây là nghi án liên quan đến tình cảm và cuối cùng cả ba người trong cuộc đều ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tại TP Thái Nguyên cũng xảy ra một vụ thảm sát nữa giữa anh em ruột với nhau. Ngày 14.9, đối tượng Bùi Xuân Hồng đến nhà em gái là bà Bùi Thị Hà (sinh năm 1959, trú tại tổ 14, phường Chùa Hang) để giải quyết việc nợ nần giữa hai bên gia đình.

Trong lúc nói chuyện, hai bên xảy ra xô xát, Hồng lấy dao đâm trọng thương 3 người trong gia đình bà Hà gồm: bà Hà, chồng bà Hà là ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1954) và anh Nguyễn Thành Vương (sinh năm 1981) là con rể bà Hà. Do vết thương quá nặng, bà Hà đã tử vong, còn ông Thành và anh Vương đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên...

Không chỉ người thân của các nạn nhân trong những vụ án trên đau đớn, nhiều người xót xa vì mâu thuẫn hoàn toàn có thể được giải quyết theo nhiều cách khác nhưng các đối tượng đã lựa chọn bằng cách gây đổ máu. Không giữ được lý trí, sự tỉnh táo, các đối tượng hành động một cách mù quáng. Chưa tính đến căn cơ trực tiếp của các mâu thuẫn nhưng hậu quả mang lại là điều thật đáng tiếc.

Không khó có thể nhận thấy đạo đức gia đình, đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử - một giá trị truyền thống của dân tộc đáng được coi trọng thì nay đang có nhiều vết rạn nứt, tạo ra những mảnh vỡ đáng báo động.

Nền nếp gia phong, lễ nghĩa gia đình, chuẩn mực đạo đức đang bị mờ nhạt bởi sự thay đổi của cuộc sống hiện đại. Lối sống có trước có sau, kính trên nhường dưới, hiếu nghĩa với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, coi trọng bạn bè dường như nhường chỗ cho lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, ăn thua trong từng lời nói. Một bộ phận của giới trẻ không coi trọng giá trị đạo đức.

Có thể chỉ một xô xát nhỏ trên đường cũng dẫn tới đánh nhau, gây thương tích. Một lời nói, một cái nhìn không được người đối diện hài lòng cũng có thể dẫn đến cãi vã, xô xát… Gương tốt không nhiều người học hỏi nhưng hành động phản cảm lại được nhiều người để tâm.

Dư luận tỏ ra băn khoăn về tình trạng có nhiều người không xử lý các mâu thuẫn theo hướng hành thiện mà xử lý theo hướng hành ác, sau đó ân hận cũng không kịp. Thêm vào đó, những tấm gương xấu trong xã hội tạo dựng nên môi trường không tốt trong văn hóa ứng xử giữa người với người, khi thất bại họ có thể dùng chính tính mạng để đánh đổi.

Mặt trái của cuộc sống hiện đại đã tác động lên các giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử. Đây không chỉ là sự du nhập của lối sống từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến nhận thức, đạo đức của một bộ phận người dân mà ngay cả nội sinh trong văn hóa, đạo đức mỗi người cũng có sự tự chuyển hóa theo hướng tiêu cực. Nhất là khi vấn đề kinh tế, giá trị đồng tiền đang được đặt lên bàn cân, đo đếm đẳng cấp của con người.

Không phải bây giờ mà từ nhiều thập kỷ trước người ta đã nói nhiều đến sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa ứng xử. Theo thời gian, đạo đức xã hội bị đồng tiền lấn át và khi đó đạo đức xã hội dễ dàng bị xuống cấp. Thực tế cho thấy, khi đồng tiền đang chiếm vị trí số một trong khát vọng của nhiều người như hiện nay thì đạo đức sẽ bị đảo chiều. Bên cạnh đó, khi lòng tự trọng của con người không còn, sự phê phán của xã hội không mạnh cũng là nguyên nhân khiến đạo đức xã hội ngày càng đi xuống.

Việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh để tác động đến nhận thức, ý thức của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Các bộ quy tắc ứng xử dù đã được triển khai thì sự chuyển biến nhận thức xã hội vẫn là một quá trình lâu dài. Giờ đây, khi đạo đức xã hội cũng như văn hóa ứng xử đang có nhiều vết nứt thì không còn cách nào khác là các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các giá trị văn hóa cho người dân, trong đó công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng với những phương pháp hiệu quả để dần tác động đến nhận thức và ý thức của mọi người.

ĐINH THUẬN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vết nứt" của đạo đức xã hội