Thử thách đối với người làm báo

21/06/2021 09:34

Từ nhiều năm nay, nghề báo luôn được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm trên thế giới.

Do tính chất công việc, nhà báo luôn xông pha đi đầu tại các điểm nóng để thu thập tin tức, tiếp cận với các nhân chứng, sự kiện. Trong các cuộc chiến tranh, những nơi xảy ra thiên tai, nhiều nhà báo không quản ngại nguy hiểm để tác nghiệp và nhiều người trong số đó đã thiệt mạng, bị thương. Trong đời sống bình thường, nhà báo cũng luôn có nguy cơ bị đe dọa, gặp rủi ro khi phản ánh những tiêu cực, mặt tối của xã hội. Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, nhà báo cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro và những hiểm nguy mới. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, các nhà báo phải đối diện với nguy cơ bị nhiễm bệnh bởi họ tiếp xúc với nhiều người. Theo thống kê của Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí (PEC) có trụ sở tại Thụy Sỹ, chỉ từ tháng 3.2020 đến đầu năm nay, đã có hơn 500 nhà báo và nhân viên truyền thông tại 57 quốc gia chết vì dịch bệnh này, đa số thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ. Con số này cao hơn rất nhiều số lượng nhà báo thiệt mạng do chiến tranh, bị trả thù vì đưa tin các mặt trái trong xã hội. Tuy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam ít căng thẳng hơn, song các nhà báo cũng luôn có mặt ở những tuyến đầu, ngay trong tâm dịch tại các địa phương. Họ đã góp phần truyền tải những thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, công cuộc phòng chống quyết liệt của chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân tới đông đảo độc giả, khán giả, thính giả trong cả nước. Những thông tin đó không chỉ giúp mọi người nắm bắt được diễn biến dịch bệnh mà còn có tác dụng động viên, kêu gọi đông đảo người dân chia sẻ, đồng hành với các lực lượng đang vất vả ngày đêm chống dịch, góp phần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của nhân dân. 

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, các nhà báo còn phải đối diện với những hiểm nguy đến từ mạng internet. Nếu như trước đây, các đối tượng đe dọa, hành hung nhà báo thường liên quan trực tiếp tới những thông tin, vụ việc tiêu cực bị phanh phui trong các tác phẩm báo chí thì nay, nhóm đối tượng này được mở rộng tới mức khó lòng kiểm soát được. Điều đó đồng nghĩa với mức độ nguy hiểm, rủi ro tăng lên gấp nhiều lần, không chỉ với bản thân nhà báo mà với cả người thân, bạn bè của họ. Các nhà báo dễ dàng bị tấn công trên mạng xã hội bằng những bình luận ác ý, những đe dọa, chửi rủa, bị khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại chỉ vì có những bài báo đưa quan điểm, đánh giá không được một số người tán thành. Sự tấn công bằng các công cụ công nghệ cũng gây thiệt hại lớn tới cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của những người làm báo. Đó là những hiểm nguy mới mẻ luôn rình rập các nhà báo trên không gian mạng hiện nay. 

Trước những nguy hiểm đó, các cơ quan chức năng đã có những chính sách, biện pháp giúp nhà báo giảm thiểu các nguy cơ rủi ro. Trong cuộc chiến chống Covid-19, những người làm báo được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh. Dự án An toàn tác nghiệp do một số giảng viên báo chí, nhà báo, chuyên gia y tế triển khai đã tổ chức nhiều tọa đàm, ra sách hướng dẫn để tác nghiệp báo chí an toàn trong đại dịch này. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội ở nước ta, tránh những trường hợp các tổ chức, cá nhân, trong đó có các nhà báo bị tấn công, đe dọa trên không gian mạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần trang bị cho nhân viên của mình những kiến thức, kỹ năng v à bản thân mỗi người làm báo cần tăng cường hơn nữa ý thức phòng tránh, đối diện với các hiểm nguy liên quan tới tác nghiệp. 

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử thách đối với người làm báo