Thu hẹp "cánh cửa" nghề giáo?

11/07/2019 07:09

Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ trong thời gian học, nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, nhưng sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Đó là quy định mới trong Luật Giáo dục vừa được công bố. Quy định này nhằm giữ chân các cử nhân sư phạm làm việc trong ngành giáo dục, về mặt lý thuyết thì có vẻ rất hợp lý, nhưng khi soi vào thực tiễn lại có nhiều bất cập.

Khoảng 15-20 năm về trước, sư phạm là ngành rất “hot” với điểm chuẩn tuyển sinh cao. Lý do khiến các trường sư phạm thu hút đông đảo thí sinh là sinh viên không phải đóng học phí và sau khi ra trường dễ kiếm được việc làm. Hiện nay, tình trạng này đã thay đổi, việc hỗ trợ tiền đóng học phí không còn đủ sức hấp dẫn thí sinh khi nhiều cử nhân sư phạm không xin được việc hoặc mòn mỏi làm giáo viên hợp đồng với đồng lương thấp, cuộc sống bấp bênh. Lượng thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm ngày một ít, chất lượng cũng suy giảm theo. Trong bối cảnh đó, quy định nếu sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục sẽ phải bồi hoàn học phí càng làm mức hấp dẫn của ngành này giảm xuống, các trường sư phạm sẽ khó tuyển sinh.

Hiện tại, đa số những người tốt nghiệp sư phạm không làm việc đúng ngành bởi không xin được việc làm chứ không phải họ từ chối làm giáo viên. Việc thực hiện quy định trên sẽ rất khó khăn vì cần kiểm soát được sinh viên sau tốt nghiệp trong 2 năm sẽ làm những công việc gì. Đó là con số khá lớn, không dễ quản lý được. Việc thu lại kinh phí cũng không dễ dàng vì nếu không xin được việc trong ngành giáo dục, chưa chắc những người học sư phạm đã có việc làm, thu nhập ổn định để bồi hoàn học phí. Trong trường hợp họ không đủ khả năng hoặc trốn tránh bồi hoàn thì chế tài xử lý ra sao là câu hỏi hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Luật Giáo dục còn thay đổi quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Yêu cầu về bằng cấp với giáo viên đã được nâng cao, tiêu chuẩn cho thí sinh dự thi sư phạm cũng khắt khe hơn (phải đạt học sinh giỏi lớp 12) trong khi chế độ đãi ngộ về học phí bị siết lại, cơ hội việc làm không mấy sáng sủa. Cánh cửa để trở thành giáo viên đang ngày một hẹp lại càng khiến các thí sinh, nhất là những thí sinh học lực tốt không muốn lựa chọn ngành này. Nếu thực trạng này tiếp tục diễn ra trong những năm tới thì từ chỗ thừa giáo viên, ngành giáo dục sẽ phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Vì thế, khi triển khai Luật Giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo cần tính toán kỹ lưỡng các biện pháp thực hiện để những quy định mới phát huy được tác dụng tích cực mà không ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hẹp "cánh cửa" nghề giáo?