Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn

02/08/2020 09:37

Những sơ suất nhỏ trong điều kiện bình thường tưởng chừng hoàn toàn vô hại nhưng có thể gây hậu quả lớn, nhiều khi không thể khắc phục nếu xảy ra sự cố.

Vụ tai nạn lật xe thảm khốc tại Quảng Bình ngày 26.7 đã làm ít nhất 15 người chết, 21 người bị thương. Một nguyên nhân góp phần làm nên con số thương vong kinh hoàng là tại thời điểm xảy ra tai nạn, hầu hết người ngồi trên xe không thắt dây an toàn.

Không phải ngẫu nhiên mà trên các phương tiện giao thông như xe ô tô, máy bay lại có dây an toàn. Tên gọi của nó đã nói lên vai trò quan trọng góp phần giữ an toàn cho người ngồi trên xe khi di chuyển, giảm thiểu rủi ro nếu xảy ra tai nạn. Theo các nghiên cứu, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đeo dây an toàn giúp giảm 45-50% nguy cơ thương tích và tử vong cho những người ngồi ghế trước và 25-75% cho những người ngồi phía sau. Vì thế, 105 quốc gia (trong đó có Việt Nam), chiếm hơn 70% dân số thế giới, có luật thắt dây an toàn cho cả người ngồi ghế trước và ghế sau.

Nhưng ở nước ta, nhiều người còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn, cho rằng đó là việc làm phiền toái, không cần thiết. Có lần, khi lên xe taxi, anh tài xế hỏi tôi một cách rất thành thực: “Chị là Việt kiều mới “ở bển” về thăm nhà à?”. Đáp lại sự ngạc nhiên “Sao anh nghĩ thế?” của tôi, anh cười giải thích: “Vì khi lên xe chị thắt dây an toàn. Khách trong nước không ai chủ động làm thế cả”. Và không ít lần khi đi xe khách, những người xung quanh nhìn tôi đầy lạ lẫm vì tôi thắt dây an toàn.

Xuất phát từ tâm lý ấy, nhiều nhà xe không quan tâm việc hướng dẫn, đôn đốc hành khách sử dụng dây an toàn cũng như chăm sóc, bảo dưỡng hệ thống dây an toàn trên xe. Nhiều chủ xe khách còn tháo bỏ hết dây an toàn trên ghế hành khách. Khi đi trên những xe như thế, hành khách có ý thức cũng không có dây an toàn để sử dụng hoặc không thể sử dụng được do dây đã bị hư hỏng, thiếu chi tiết. Khoản 3, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định cả lái xe lẫn người ngồi trên xe đều bị phạt nếu không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn). Nhưng trên thực tế, lỗi này mới được quan tâm xử phạt nhiều ở xe ô tô con nên những người sử dụng xe cá nhân, taxi đã có ý thức hơn, còn trên các xe khách lớn, nhiều hành khách vẫn chưa coi trọng việc thắt dây an toàn.

Giống như chiếc dây an toàn trên xe, có nhiều chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng được thiết kế để bảo đảm an toàn cho con người khi xảy ra sự cố. Trong các chuyến bay vẫn thường có các hành khách cảm thấy khó chịu khi bị nhắc nhở bắt buộc phải đeo dây an toàn, tắt điện thoại di động. Nhiều người đi thuyền, tàu thủy không chịu mặc áo phao. Tại nhiều tòa nhà cao tầng, cầu thang thoát hiểm bị lấn chiếm, bị chặn cửa. Nhiều người không lắp gương chiếu hậu cho xe máy chỉ vì thấy vướng hoặc cho rằng như thế là không sành điệu… Những sơ suất nhỏ trong điều kiện bình thường tưởng chừng hoàn toàn vô hại nhưng có thể gây hậu quả lớn, nhiều khi không thể khắc phục nếu xảy ra sự cố. Người ngồi trên ô tô, máy bay mà không thắt dây an toàn sẽ dễ bị thương tích hoặc bị thương tích nặng hơn khi phương tiện gặp sự cố, xe ô tô đi qua khúc cua, đường xóc, máy bay bay qua vùng thời tiết xấu. Lối thoát hiểm bị chặn sẽ khiến nhiều người không thể thoát thân khi tòa nhà bị cháy. Không sử dụng gương chiếu hậu để quan sát làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông…

Các điều luật đều có quy định xử phạt những hành vi gây mất an toàn nêu trên nhưng không phải khi nào các cơ quan chức năng cũng có đủ lực lượng để giám sát, xử phạt tất cả những người vi phạm. Có những hành vi còn ít bị xử phạt hoặc mức xử phạt thấp nên chưa tạo được sự răn đe. Vì vậy, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, xử phạt thì điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người phải nâng cao ý thức tuân thủ các quy định trong bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, sinh sống và hoạt động tại các nơi công cộng. Mỗi người cần nhận thức sâu sắc rằng các quy định đều nhằm bảo vệ bản thân mình và cộng đồng. Tìm cách khắc phục những bất tiện (nếu có) để chấp hành quy định là cách cư xử văn minh, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, giảm thiểu rủi ro.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn