Phụ nữ tham chính: Cả gập ghềnh lẫn chông gai

10/03/2018 18:00

Chị em cần sự ủng hộ nhiều hơn nữa bằng những quan điểm, chính sách mang tính "cởi trói", cả trong tư duy lẫn thực tế.


Các đại biểu Quốc hội nữ chụp ảnh với Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính, quan điểm này đã được khẳng định trong Hiến pháp, pháp luật, trong nhiều nhiều Chỉ thị, Nghị quyết … nhưng trên thực tế, tại Việt Nam, phụ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương còn quá khiêm tốn. Những người phụ nữ làm chính trị luôn bị “soi xét” ở nhiều khía cạnh, khiến cho con đường thăng tiến của họ luôn “gập ghềnh, chông gai”.

Trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam theo đánh giá của Tạp chí Forbes Việt Nam năm 2017, chỉ có 8 phụ nữ hoạt động trên lĩnh vực chính trị.

Trong 27 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là thành viên nữ duy nhất.

“Một Bộ trưởng nữ duy nhất” cũng phản ánh một thực tế “ít ỏi” những người phụ nữ tham chính ở Việt Nam hiện nay. Tại 63 tỉnh, thành, người đứng đầu cấp ủy (Bí thư tỉnh ủy) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn đại biểu dân cử là nữ, cả Quốc hội và HĐND các cấp, dù có tăng hơn qua các nhiệm kỳ nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu 35% trở lên trong nhiệm kỳ 2016-2021. (Hiện chúng ta có 26,8% đại biểu Quốc hội nữ và gần 26,5% đại biểu HĐND cấp tỉnh là nữ).

Vì sao lại có tình trạng này? Sau rất nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng bất bình đẳng về giới, chúng ta vẫn không thể phủ nhận việc tồn tại âm thầm, dai dẳng "định kiến giới" trong xã hội. Đó là quan niệm “phụ nữ không có khả năng lãnh đạo như nam giới”, là sự khắt khe trong đánh giá, bổ nhiệm và đề bạt phụ nữ. Một bộ phận không nhỏ những người chồng không ủng hộ vợ làm quản lý, thậm chí không chấp nhận vợ có địa vị xã hội cao hơn mình…

Không chỉ gặp rào cản vô hình là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, không thích lãnh đạo là nữ, kèm theo tư tưởng tự ti, khiêm nhường… của chị em, trên con đường thăng tiến, phụ nữ còn gặp các rào cản hữu hình như quy định về độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đề bạt, tiêu chuẩn “kép” để phụ nữ ứng cử như dân tộc thiểu số, người trẻ, ngoài đảng…

Tất cả những rào cản đó đã “kéo’ lùi sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trên con đường tham chính. Từ năm 2005 đến năm 2015, Việt Nam đã tụt 31 bậc trên bảng xếp hạng tỷ lệ phụ nữ tham chính toàn cầu. Chúng ta đang xếp sau nhiều nước trong khu vực như Nepal, Philippines, Lào…

Công cuộc bình đẳng giới trên thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Đã có nhiều người phụ nữ quyền lực, có ảnh hưởng trên chính trường quốc tế. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây được bình chọn là "Thủ tướng được yêu thích nhất thế giới" với phiếu bầu 76%.

Tại Việt Nam, chúng ta lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ, cũng là bước tiến đáng ghi nhận trong tiến trình bình đẳng giới. Đặc biệt, dù chiếm số lượng không nhiều trong Quốc hội, nhưng tiếng nói của phụ nữ tại nghị trường cũng rất giá trị, nhất là những vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế và các vấn đề an sinh xã hội…


Các nữ nghị sĩ châu Á-Thái Bình Dương

Chiếm hơn 51% dân số, Việt Nam không thiếu những người phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chính trị. Chỉ cần chị em ủng hộ giới của mình thôi, cũng sẽ cải thiện được tình trạng “duy nhất một Bộ trưởng nữ” như hiện nay. Nếu có thêm tiếng nói của phụ nữ trong Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương và địa phương thì những chính sách đưa ra sẽ bền vững hơn, nhất là những chính sách liên quan đến con người.

Rồi những cuộc bầu cử sẽ diễn ra, những lá phiếu tín nhiệm sẽ phát đi và những quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ sắp tới sẽ được hoàn thiện…Nếu chỉ nói “ủng hộ phụ nữ tham chính” thôi, chưa đủ. Chị em cần sự ủng hộ nhiều hơn nữa bằng những quan điểm, chính sách cụ thể mang tính "cởi trói", cả trong tư duy lẫn thực tế.

QUỐC PHONG (VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ tham chính: Cả gập ghềnh lẫn chông gai