Phát huy khả năng sáng tạo của học sinh

04/11/2018 10:30

Không chỉ nhà trường, mà cả gia đình và xã hội đều cần coi trọng tính sáng tạo và có giải pháp để phát hiện, ươm mầm, phát huy tính sáng tạo của từng học sinh.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Cử tri rất quan tâm tới dự thảo luật này bởi ngành giáo dục đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, hạn chế, đòi hỏi cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện.

Theo dự thảo trình Quốc hội, tại điều 2 có nêu: "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo (KNST) của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế". So sánh với Luật Giáo dục hiện hành, dự thảo bổ sung thêm nội dung mới trong mục tiêu giáo dục là nhằm "phát huy tiềm năng, KNST của mỗi cá nhân".

Điểm bổ sung mới này rất quan trọng, cần thiết. Bởi, thế giới đang biến động từng ngày, nhiều lĩnh vực chỉ qua vài năm đã thấy những đổi thay, phát triển đến "chóng mặt". Một trụ cột hàng đầu làm nên những thay đổi ấy chính là KNST của con người. Những quốc gia phát triển nhất thế giới hiện nay đều có đặc điểm chung là giàu KNST, coi trọng sáng tạo. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, nếu quốc gia nào coi nhẹ sáng tạo chắc chắn sẽ bị tụt hậu. KNST của cả quốc gia lại bắt nguồn từ KNST của mỗi cá nhân. Và cá nhân giàu sáng tạo sẽ có cơ hội thành công hơn các cá nhân ít sáng tạo.

Những năm gần đây, ngành giáo dục nhắc nhiều tới việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, KNST của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động này còn chưa được chú trọng đúng mức, ở nhiều nơi còn nặng tính hô hào hình thức. Chương trình học bậc phổ thông còn nặng về truyền thụ, ghi nhớ kiến thức, chưa được thiết kế phù hợp để tăng cường tính sáng tạo cho học sinh. Học sinh vẫn phải dùng một bộ sách giáo khoa trong khi ở nhiều nước phát triển có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh tự chọn, phù hợp với học lực, sở thích của mình.

Trong phương pháp giáo dục, nhiều giáo viên vẫn giảng dạy theo kiểu độc thoại, một chiều, đọc - chép, chưa coi học sinh là trung tâm. Có tình trạng học sinh có ý kiến độc lập, sáng tạo, khác với ý kiến của giáo viên thì không được giáo viên tôn trọng, lắng nghe. Cách dạy còn nặng về ghi nhớ kiến thức, ép học sinh thuộc lòng, chưa quan tâm đúng mức đến dạy cách học, cách tư duy, kỹ năng. Nội dung thi mặc dù có một số đổi mới song vẫn còn nặng nề và khuyến khích khả năng ghi nhớ kiến thức hơn là KNST. Chất lượng các sân chơi trí tuệ, cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh còn hạn chế, chưa nhiều học sinh tham gia.

Tiềm năng sáng tạo cần được phát hiện, nuôi dưỡng để trở thành KNST. Có những học sinh giàu tính sáng tạo nhưng nếu môi trường cản trở thì dễ bị thui chột. Do đó, không chỉ nhà trường, mà cả gia đình và xã hội đều cần coi trọng tính sáng tạo và có giải pháp để phát hiện, ươm mầm, phát huy tính sáng tạo của từng học sinh. Hãy để cho trẻ thỏa sức tưởng tượng - bởi trí tưởng tượng là thành tố quan trọng của tính sáng tạo. Đừng vội phán xét ý tưởng, ước mơ của con trẻ là phi thực tế.

Trong giảng dạy ở nhà trường, giáo viên cần thực sự tổ chức hoạt động giáo dục theo phương châm lấy học sinh là trung tâm, khơi dậy tính tích cực, chủ động của học sinh; khuyến khích tự học. Muốn học sinh sáng tạo thì việc thiết kế chương trình học và thi cử cũng phải đổi mới phù hợp theo hướng đề cao sự sáng tạo, vận dụng vào thực tế, tránh lối thi cử bắt học sinh phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc...

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy khả năng sáng tạo của học sinh