Ngăn tham nhũng từ gốc rễ

17/01/2020 11:53

Gốc rễ khỏe mạnh thì cành ngọn sẽ tốt tươi. Để quan chức ''không thể tham nhũng'', có lẽ chúng ta nên tiếp thu và áp dụng triệt để kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát tài sản và kiểm soát quyền lực.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) đặt ra cho năm cuối nhiệm kỳ của Ban chỉ đạo (2020) là tiếp tục tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng.

Đây cũng chính là mong muốn của đại đa số người dân Việt Nam, là con đường mà nhiều quốc gia văn minh đã đi đến đích, giữ cho bộ máy chính quyền trong sạch và hoạt động công vụ lành mạnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã trải qua chặng đường dài, với dấu ấn đặc biệt trong công tác đấu tranh, tức là "chống", qua hình ảnh "củi" và "lò" được dư luận cảm nhận rõ ràng.

Việc xử lý nghiêm khắc tội phạm tham nhũng và các hành vi liên quan đến tham nhũng được dư luận trong nước và quốc tế hoan nghênh, nhân dân ủng hộ, tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta.

Nhưng mặt khác, từ đại án này đến đại án khác, cũng cho thấy rõ rằng một khi để xảy ra tham nhũng là mất tiền, mất người, mất uy tín, suy giảm niềm tin..., dù có xử lý đến như thế nào thì cũng không thu lại trọn vẹn được.

Chính vì vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho kết luận: để triệt tiêu tham nhũng thì "chống" và "phòng" phải song hành với nhau, "chống" quyết liệt phải đồng thời với "phòng" hiệu quả. "Chống" là xử lý phần "ngọn", "phòng" mới là xử lý phần "gốc". Gốc rễ khỏe mạnh thì cành ngọn sẽ tốt tươi.

Để quan chức "không thể tham nhũng", có lẽ chúng ta nên tiếp thu và áp dụng triệt để kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát tài sản và kiểm soát quyền lực.

Chừng nào toàn bộ tài sản, thu nhập của quan chức chưa bị kiểm soát chặt, không gắn với trách nhiệm giải trình thực chất, hiệu quả; chừng nào chưa theo dõi hết được sự dịch chuyển, biến động của toàn bộ tài sản trong xã hội, chưa áp dụng được các biện pháp cơ bản như thanh toán qua tài khoản, sử dụng triệt để công cụ thuế thì khi đó vẫn khó ngăn ngừa triệt để vấn nạn tham nhũng.

Ngày 20.11.2018, trước khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình: "Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại tòa án; nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế; nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có".

Tuy vậy, không có biện pháp mới nào được đưa vào luật.

Lý do: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật".

Chỉ một ví dụ nêu trên cho thấy nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế phòng chống tham nhũng không hề đơn giản. "Chống" đã khó khăn, "phòng" thậm chí còn khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn cả những gì đã làm để hiện thực hóa nhiệm vụ gốc rễ này.

LÊ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn tham nhũng từ gốc rễ