Nạn “chạy chức, chạy quyền" vẫn diễn biến phức tạp

20/01/2018 15:03

Một số cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao còn tiếp tay, bao che, dung dưỡng cho “chạy chức, chạy quyền”.

Kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự tha hóa, tham nhũng quyền lực mà biểu hiện cụ thể là “chạy chức, chạy quyền” đã được Đảng ta đặc biệt chú trọng và đề cập trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Đánh giá hạn chế trong kiểm soát quyền lực thời gian qua, Nghị quyết Trung ương 4 khóa khóa XII chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở”, “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái”.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa hợp lý, số đầu mối bên trong tăng nhanh, phát sinh những bất cập về kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ và quản lý cán bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, coi trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa để tổ chức thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng còn hạn chế, bất cập.

“Các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng đã được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tệ quan liêu, tiêu cực trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Cơ chế kiểm soát quyền lực vẫn là nỗi niềm, trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp ủy đảng, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư, Thường vụ cấp ủy và Bí thư cấp ủy các cấp”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Những tiêu cực còn tồn tại trong công tác cán bộ thời gian qua, nhất là tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, kéo theo “chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển” chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Việc lợi dụng quà cáp dịp lễ, Tết, sinh nhật… để “chạy chức, chạy quyền” vẫn còn diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức. Việc thực hiện các giải pháp chống “chạy chức, chạy quyền” tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp.

Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ: năm 2017, cả nước đã chuyển đổi vị trí công tác 29.261 cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, ở một số nơi thực hiện nội dung này chưa thường xuyên, còn hình thức, thiếu kiểm tra, thanh tra.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng phải nhận diện rõ là xảy ra “chạy quyền lực” trong công tác tổ chức cán bộ là ở cấp nào, ở đâu và cần nhận diện rõ những điểm yếu, lỗ hổng trong thời gian qua. Về nguyên nhân, theo ông Sơn có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa nhất là cán bộ suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần, đó là cần phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng khi có thể chế rồi thì con người vận hành thể chế, điều này quan trọng hơn. Bởi vì, hư là từ con người vận hành; quy trình phải công khai dân chủ, đặc biệt minh bạch. Vấn đề nữa đó là phải thực hiện đánh giá cán bộ đúng, đánh giá thực chất; tập trung kiểm tra giám sát ngay từng khâu trong quá trình thực hiện”, ông Sơn nói.

Có thể thấy, tình hình kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ kém hiệu quả, nạn “chạy chức, chạy quyền” diễn biến phức tạp, tinh vi do nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là nhận thức về kiểm soát quyền lực và phòng chống “chạy chức, chạy quyền” chưa được coi trọng đúng mức.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Một số cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao còn tiếp tay, bao che, dung dưỡng cho “chạy chức, chạy quyền”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng “chạy chức, chạy quyền” là tham nhũng. Vì vậy, để giảm tham nhũng thì cần phải làm cho không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị, không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật chặt chẽ và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ và vì danh dự lớn lao của mỗi cán bộ.

Ông Phớc cho rằng: “Quan tâm đến chế độ đãi ngộ, làm thế nào giảm biên chế, nâng lương bộ máy; lựa chọn chính xác người đứng đầu. Người đứng đầu một cơ quan tổ chức quan trọng, nếu lựa chọn đúng người đứng đầu thì họ sẽ lựa chọn hệ thống của mình. Tăng cường giáo dục đạo đức, tác phong, tư tưởng, phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Quy định chức năng, trách nhiệm rõ ràng, với quyền lực ở đâu thì trách nhiệm đến đó”.

Để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức chạy quyền” điều quan trọng nhất là xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục những hạn chế, yếu kém về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền, hướng tới 4 không: Không thể “chạy”; không dám “chạy”; không cần “chạy”; và không muốn “chạy”.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nạn “chạy chức, chạy quyền" vẫn diễn biến phức tạp